Dư luận đang xôn xao khi bộ phim "Ròm" bị phạt 40 triệu và bị yêu cầu tiêu hủy tang vật (bản phim gửi tham gia LHP Quốc tế Busan và đoạt giải) vì phim gửi đi tranh giải khi chưa được duyệt & cấp phép. Là một nhà làm phim, anh nghĩ gì về việc hủy một tác phẩm đã đoạt giải thưởng tại một LHP Quốc tế như LHP Busan?
Thật sự, tôi sốc với thông tin tiêu huỷ sản phẩm văn hoá. Ngày xưa, tôi có nghe ba tôi kể có thời kỳ cực đoan người ta đốt sách, nhưng chuyện đó lâu rồi, không ngờ bây giờ lại nghe lại.
Cá nhân anh nghĩ sao về mức án phạt này dành cho ê-kíp của “Ròm”?
Nói về các phim tham dự LHP, thường thì các nhà làm phim sẽ gửi phim từ rất sớm đến những người lựa chọn phim để tham gia các LHP. Thế nên đôi khi, họ gửi từ những bản dựng đầu để kịp tham dự liên hoan, vì nếu chờ đến khi phim làm xong hẳn có thể không kịp kỳ LHP đó, mà đợi đến lần sau thì phim đã cũ.
Khi nhà làm phim đưa cho Ban tổ chức của LHP xem tức là đã chấp nhận cho họ chiếu. Sau đó, họ sẽ lên lịch cho các chương trình của cả LHP. Và với một LHP quốc tế lớn, họ sẽ không đồng ý cho nhà sản xuất rút lại, bởi họ thật sự xem văn hoá là văn hoá, họ tôn trọng tác giả và tác phẩm hơn nhà sản xuất, chính phủ của nước đó, nhất là các phim độc lập, nghệ thuật.
Thế nên, trong trường hợp hãng phim xin rút mà BTC LHP không đồng ý, rồi về nước phạt nặng hãng phim cũng hơi oan. Chúng ta phải biết rằng với LHP Quốc tế Busan, ngay cả Chính phủ Hàn Quốc cũng không can thiệp được vì tư tưởng của họ là tôn trọng quyền được tự do ngôn luận. Họ không hiểu chuyện vì sao phim độc lập, nghệ thuật bị kiểm duyệt, đặc biệt với những tác phẩm mà họ đánh giá có giá trị cao.
Tôi nghĩ, "Ròm" đã được giải thưởng lớn ở một LHP Quốc tế uy tín, việc nhà sản xuất bị phạt và tiêu huỷ phim sẽ mang tiếng cho bộ mặt quản lý văn hoá và xã hội Việt Nam và mang tiếng cho cả làm phim, làm văn hoá quốc tế.
Cũng từ câu chuyện này có nhiều tranh cãi về vấn đề duyệt & cấp phép phim hiện nay. Bản thân anh nhìn nhận điều này thế nào?
Tôi nghĩ, duyệt phim ở Việt Nam còn thoáng hơn một số nước. Nhưng là người làm phim hơn 10 năm, tôi vẫn có nhiều điều hoang mang không rõ.
Chúng ta bị “kiểm duyệt” với những mục như “vi phạm thuần phong mỹ tục/tính chất nhạy cảm”.
Đây là các cụm từ không có sự đo đếm chuẩn của luật, mang tính cảm tính cá nhân từ sự nhìn nhận mỗi người, của những người thừa hành luật. Điều đó khiến người làm phim đoán già đoán non thế này được, thế kia không được, có phim được, có phim lại không được, có lúc được, có lúc không.
Thêm nữa, chúng ta đã có luật giới hạn tuổi, nếu đã dán nhãn NC18 thì không nên cắt vì với người 18 tuổi, họ đủ để nhận thức đánh giá tác phẩm.
Đôi khi đi tham dự các LHP quốc tế, báo chí và đồng nghiệp nước ngoài cũng hỏi tôi về kiểm duyệt ở Việt Nam. Tôi không biết giải thích sao cho họ hiểu vì nhiều khi họ cảm thấy thật kỳ quặc, tôi cũng thấy xấu hổ.
Quan điểm của anh thế nào trước những ý kiến cho rằng, nên bỏ hoặc thay đổi cách duyệt & cấp phép phim hiện nay để phim Việt phát triển?
Điện ảnh Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ từ khi bỏ kiểm duyệt, và chúng ta thấy xã hội Hàn Quốc, văn hoá, kinh tế, quảng bá Hàn Quốc đang phát triển rất tốt, không suy đồi như chúng ta sợ. Với các nhà làm phim, họ cũng rất sợ làm ra những thứ phản cảm và sự quay lưng của khán giả. Văn hoá, thể thao là những cách thức quảng bá đất nước, con người tốt nhất. Thế nên tôi cho rằng, chúng ta hãy trân trọng và hỗ trợ những điều được quốc tế đánh giá cao.
Cần phải hiểu, phim ảnh là góc nhìn sự việc của cá nhân chứ không đại diện cho cả xã hội. Không có nghĩa xem phim sát thủ là xã hội đó đầy rẫy sát thủ. Phim ma không có nghĩa là ở đó có ma. Khán giả hiện nay trình độ nhận thức đã tốt rồi, họ xem tác phẩm nghệ thuật là xem quan điểm góc nhìn của người nghệ sĩ. Nếu họ đồng cảm thì sẽ nhớ, họ không thích sẽ quên. Thế nên, đừng lo lắng quá về mọi thứ!
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận