Vẹn nguyên lời dạy của Bác
Dù đã 61 năm kể từ khi Bác Hồ đến thăm xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), ngày 12/11/1962, thế nhưng, những ký ức và lời dạy của Người vẫn vẹn nguyên trong trái tim cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nơi đây.
Từng vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người ra thăm quân và dân nơi đây, bà Nguyễn Thị Lan (73 tuổi, ở thôn Bình Ngọc, xã Ngọc Vừng), nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng vẫn nhớ chi tiết buổi gặp mặt lịch sử ấy.
"Hôm ấy, tiết trời khá lạnh. Chúng tôi chuẩn bị tan lớp thì nghe tiếng ầm ầm ở khu vực bãi biển cách đó chừng gần một cây số. Nghe các anh chị bảo hình như là tiếng máy bay. Đúng lúc ấy, cô giáo dặn chúng tôi ăn mặc chỉnh trang để lát nữa gặp Bác Hồ", bà Lan xúc động nhớ lại.
Thông tin cô giáo đem đến khiến ai nấy lặng người vì bất ngờ, ngạc nhiên và òa lên vui mừng khôn xiết. Chỉ mấy phút sau khi nhận thông báo, bà Lan và các bạn học đã tề tựu đông đủ ở nơi máy bay chở Bác Hồ đậu trên thửa ruộng gần bãi biển.
"Lúc này, tại đây có rất đông cán bộ, nhân dân và bộ đội. Thấy chúng tôi, Bác tiến đến ân cần hỏi: "Cháu nào thuộc 5 Điều Bác dạy"?. Anh Nguyễn Minh Trang, 15 tuổi, lúc ấy là Liên đội trưởng đã đọc thuộc "5 Điều Bác dạy", nên được Bác khen các học sinh trên đảo rất thông minh. Nói rồi, Bác chia kẹo cho chúng tôi và bảo chụp ảnh cùng Người", bà Lan tự hào kể.
Theo bà Lan, sau này nghe người lớn kể, hôm ấy, Bác đi thăm một số nơi trên đảo và căn dặn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân: "Phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân; dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo. Bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp nhân dân sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu".
Hôm ấy, Bác cũng trồng cây đa làm lưu niệm trên đảo. Sau này nơi đây đã được xây dựng thành Khu lưu niệm Bác Hồ.
Thực hiện lời dạy của Bác, những học sinh vinh dự được gặp Bác Hồ ngày 12/11/1962 đã ra sức học tập, thi đua lao động, đều trở thành những thanh niên ưu tú, nhiều người xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Những người ở lại thì đánh giặc trên chính quê hương của mình.
Năm 1969, học xong lớp 7, bà Nguyễn Thị Lan đã được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã rồi làm ủy viên UBND xã. Năm 1973-1975, bà làm phó chủ tịch UBND xã kiêm trưởng công an xã. Từ năm 1981, bà Lan liên tiếp giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000.
"Ghi nhận lời Bác dạy, thế hệ chúng tôi đã học tập, rèn luyện để xây dựng xã đảo ngày càng giàu mạnh. Trong đó, có nhiều người đã trở thành lãnh đạo sở, ngành và cấp huyện của tỉnh. Tôi có 6 người con thì hiện đang có 4 người đảng viên, công tác tại một số cơ quan ở huyện Vân Đồn, ở xã… Đến thời điểm này, bản tôi thấy mình đã nỗ lực làm theo lời Bác dạy khi ra thăm đảo", bà Lan tự hào khoe.
Xứng danh đảo Ngọc giữa trùng khơi vùng Đông Bắc
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, quân và dân trên xã đảo Ngọc Vừng luôn nỗ lực học tập, thi đua lao động, dũng cảm chiến đấu trong giai đoạn chiến tranh và phát triển kinh tế xã hội trong thời bình.
Điển hình là ngày 24/12/1972, hai chiếc máy bay của Mỹ từ biển vào đánh phá Ngọc Vừng đã bị quân và dân trên đảo đã đánh trả quyết liệt. Các chiến sĩ dân quân tại đồi Điếm Canh tuy chỉ với 120 viên đạn đã bắn rơi chiếc máy bay F4 của giặc Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh. Trong đó quân, dân xã đảo Ngọc Vừng bắn rơi 23 chiếc máy bay các loại.
Với những chiến công ấy, năm 1973, xã Ngọc Vừng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được nhiều bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh khen thưởng, biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ…
Hòa bình lập lại, cũng như bao vùng quê khác, Ngọc Vừng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi là xã đảo, nên việc đi lại chủ yếu phương tiện tàu, thuyền, ảnh hưởng đến giao thương, xã chưa có điện lưới.
Và rồi, với truyền thống anh hùng của quê hương, hiện lời dạy của Bác, quân và dân nơi đây đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế - xã hội. Và "cuộc đổi đời" thực sự của Ngọc Vừng phải kể đến từ cuối năm 2015, điện lưới quốc gia từ đất liền được đưa ra đảo.
Có điện lưới, xã Ngọc Vừng đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc phát triển kinh tế, biến nơi đây thực sự thành viên "ngọc sáng" giữa trùng khơi.
Với bãi biển Trường Chinh đẹp chạy dài hàng cây số và cánh rừng nguyên sinh giá trị cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, địa phương xác định lấy kinh tế du lịch làm mũi nhọn để bứt phá. Do vậy, cùng với nhiều nguồn lực đầu tư, xã đã xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử, khuyến khích người dân đầu tư cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch gắn với bảo môi trường bền vững…
Mặt khác, kinh tế nông - lâm nghiệp trên xã đảo cũng được quan tâm, nên đã đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực.
Đến nay, các khu di tích lịch sử ở xã Ngọc Vừng được đầu tư, tôn tạo, gồm Khu di tích lưu niệm Bác Hồ, gồm khuôn viên, vườn cây, ao cá, khu trưng bày… được đầu tư đồng bộ, đình Ngọc Vừng, Cột cờ chủ quyền quốc gia, trận địa 12,7 ly… đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho du khách mỗi khi đến Ngọc Vừng.
Cùng với đó, hệ thống giao thông xuyên đảo, các tuyến đường vào khu dân cư đã được cứng hóa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo ông Khơi, hiện xã đang chuẩn bị khởi công dự án nâng cấp tuyến đường xuyên đảo dài hơn 6km với tổng mức đầu tư trên 230 tỷ đồng. Khi dự án này được đưa vào sử dụng, cùng với các công trình hiện hữu sẽ là thời cơ, vận hội mới để địa phương tiến bước cùng đất liền…
"Đến nay xã đã có hàng chục nhà nghỉ, nhà hàng khá hiện đại phục vụ du lịch, số hộ khá giả ngày càng tăng. Hiện, toàn xã có 235 hộ với trên 800 nhân khẩu thì không có hộ nghèo và có thu nhập bình quân đầu người ước đạt 103,3 triệu đồng/người/năm. Xã đã về đích nông thôn mới năm 2018 và nông thôn mới nâng cao năm 2022", ông Khơi cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận