Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, các cấp hội Chữ thập đỏ đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ, cấp cứu đạt chuẩn.
Đây là đội ngũ cán bộ tham gia huấn luyện, trang bị kiến thức và kỹ năng sơ, cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại trên 500 trạm, điểm sơ, cấp cứu và đội ngũ lái xe taxi, lái xe ôm thường xuyên hoạt động tại khu vực hay xảy ra TNGT, nhằm hỗ trợ kịp thời người gặp nạn.
Hiện trong cả nước chỉ duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng được triển khai trên toàn quốc. Hội Chữ thập đỏ các địa phương đã và đang triển khai mô hình các đội tình nguyện viên sơ cứu lưu động và thành lập các trạm, điểm sơ, cấp cứu trên các tuyến giao thông trọng điểm hay tại những vị trí hay xảy ra TNGT để kịp thời sơ, cấp cứu cho người bị nạn.
Việc ra đời các mô hình sơ, cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng, tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do TNGT, đuối nước cũng như các nạn nhân do thiên tai, thảm họa khác gây ra; trợ giúp kịp thời người bị nạn, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật, tàn phế cho nạn nhân.
Tại lễ kỷ niệm Ngày sơ, cấp cứu thế giới năm 2023 với chủ đề "Sơ, cấp cứu trong thế giới số", đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các cấp hội trong cả nước tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ, cấp cứu cho người dân.
Với chủ đề "Sơ, cấp cứu trong thế giới số", các cấp hội chú trọng khả năng ứng dụng các công nghệ số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ, cấp cứu và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ, cấp cứu, như: Xây dựng các video hướng dẫn và mô phỏng kỹ thuật, các trò chơi kỹ thuật số để sử dụng trong các khóa huấn luyện sơ, cấp cứu, giúp mọi người ở mọi nơi, mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh dễ dàng tiếp thu và lưu giữ kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các mô hình sơ, cấp cứu dựa vào cộng đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận