Tại Đà Nẵng thời gian qua, việc gom đất, đầu tư theo kiểu lướt sóng kiếm lời khiến giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Cộng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thị trường lao dốc nhưng gần như không có giao dịch.
Giao dịch đóng băng
Khảo sát của PV Báo Giao thông, dù Đà Nẵng đã phục hồi nhiều hoạt động kinh tế - xã hội nhưng thị trường bất động sản hầu như không có biến chuyển. Tại các dự án một thời được quảng cáo rầm rộ giờ đều rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có. Các văn phòng môi giới đất đai hầu như đều vẫn đang cửa đóng then cài.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, cơn sốt đất trước đây khiến giá đất tăng gấp đôi, thậm chí hơn do việc đầu tư lướt sóng. Với việc giá đất bị đẩy lên quá cao, việc rớt giá thê thảm vào thời điểm này cũng rất dễ lý giải, nhất là khi thị trường đã bắt đầu chững lại từ giữa năm 2019, và mới nhất là ảnh hưởng từ 2 đợt dịch Covid-19.
Tình cảnh này hoàn toàn trái ngược với thời “ăn ngủ” cùng bất động sản năm 2018 và đầu năm 2019. Thời điểm đó, thị trường nhà đất Đà Nẵng sôi sục, chỉ cần ra ngoài vỉa hè, quán cà phê... cũng có thể nghe thấy mọi người người bàn tán về giá đất lên xuống, dự án “cháy hàng”…
T.M.H (28 tuổi), một “cò đất” tại Đà Nẵng kể, khi đó, dù mới bước chân vào nghề nhưng chỉ trong năm 2018, H. đã giao dịch thành công gần 70 lô đất các loại ở nhiều vị trí đắc địa tại Đà Nẵng.
Nửa đầu năm 2019, H. tiếp tục giao dịch được 50 lô đất, với mức hoa hồng hàng chục triệu đồng/lô. Thế nhưng, từ cuối năm 2019 trở đi, H. chỉ bán được một lô trong suốt 6 tháng. Đặc biệt, từ sau Tết Âm lịch đến nay, mọi giao dịch gần như đóng băng.
“Năm nay tôi sống bằng tiền kiếm được của năm trước. 9 tháng qua chưa có một lần dẫn khách đi xem đất, huống hồ là một cuộc giao dịch”, H. buồn rầu và cho biết thêm, thời “hoàng kim”, anh từng giao dịch lô đất tại Khu đô thị Nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với giá lên đến 3,5 tỷ đồng. Còn thời điểm hiện tại, giá đất khu vực này đã rớt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/lô. Mặc dù giá giảm mạnh nhưng gần như không có người mua.
Không chỉ Khu đô thị Nam Hòa Xuân, nhiều dự án “làm mưa, làm gió” một thời giờ cũng trong cảnh ảm đạm chưa từng có. Khu đô thị Golden Hills thời điểm hiện tại cũng đang trong cảnh “đói” khách, mặc dù giá đất đã giảm rất nhiều so với thời kỳ lập đỉnh. Theo khảo sát, những lô đất đẹp ở đây có lúc giá lên đến 3,4 tỷ đồng/lô 100m2. Đến hiện tại, giá chỉ hơn 2 tỷ đồng nhưng giao dịch vẫn đóng băng.
Tương tự, những khu đất vùng ven quận Cẩm Lệ như khu Tây Nam Cẩm Lệ dù giá thấp hơn Khu đô thị Nam Hòa Xuân nhưng thời kỳ đỉnh cao vẫn có những lô đất được “cò” thổi giá lên gần 3 tỷ đồng. Nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 2,2 tỷ đồng/lô.
Khu đô thị “đại gia” Nam Việt Á (quận Ngũ Hành Sơn) trước đây cũng từng là điểm nhấn của thị trường bất động sản Đà Nẵng khi có những lô đất được định giá 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá cũng chỉ còn khoảng 3,8 tỷ đồng/lô.
Ông C., một người kinh doanh bất động sản lâu năm tại Đà Nẵng cho biết, sở dĩ Khu đô thị Nam Hòa Xuân, Nam Việt Á, Golden Hills có giá ngất ngưởng đến vậy là do “cò đất” thổi giá vô tội vạ. Chính vì thế, dù đã giảm nhiều song vẫn không ai mua là điều dễ hiểu.
Sẽ vực dậy sau dịch?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản - Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, kể từ thời điểm lập đỉnh vào tháng 3/2019, thị trường bất động sản nhanh chóng giảm mạnh.
Theo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, trong tháng 8/2020, đơn vị này đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 535 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và 1.628 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động. Trong số các doanh nghiệp giải thể, có hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh, môi giới và đấu giá bất động sản.
Đến thời điểm dịch Covid-19 lần 1 bùng phát, loại hình đất nền dự án, là sản phẩm điển hình và chiếm tỷ trọng tuyệt đối trên thị trường đã giảm từ 30 - 60% tùy từng khu vực. Các sàn giao dịch bất động sản phải sa thải nhân viên hàng loạt hoặc hoạt động cầm chừng để duy trì tồn tại.
Ông Phạm Văn Sung, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Bất động sản Eco Real nhận định, những khu đất rớt giá tại Đà Nẵng trong năm qua hầu hết là đất dự án ở ngoại ô thành phố bị cò đất thổi giá quá đà.
Khi giá đất bão hòa và rớt giá, gặp đúng đợt dịch Covid-19 thì càng trở nên thê thảm. Trong đó, nhiều người gom đất đã phải bán tháo để trả nợ ngân hàng, dù vậy nhưng không mấy người mua.
Cũng theo ông Sung, thị trường bất động sản Đà Nẵng có khả năng hồi phục cao, nhưng sớm nhất cũng phải hết năm 2020. “Đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, lãi suất ngân hàng chưa giảm mạnh nên người dân có xu hướng gửi tiền trong ngân hàng. Còn hiện nay lãi suất đã giảm, việc đầu tư chứng khoán hay vàng đều nhiều rủi ro bởi sự biến động khó lường. Do đó tiền nhàn rỗi đầu tư bất động sản là sự lựa chọn hợp lý”, ông Sung lý giải và cho rằng, dù thị trường hiện nay khá im lìm nhưng vẫn có một luồng khách hàng là những nhà đầu tư Hà Nội, TP HCM... tìm gom các lô đất sạch, giá thấp để đón đầu sự phục hồi vào năm tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lập cho rằng, đối với Đà Nẵng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, bất động sản sẽ là thị trường phục hồi sớm nhất.
“Quỹ đất Đà Nẵng khan hiếm, hầu như không còn nhiều để làm đô thị, hơn 86% quỹ đất đô thị đã được khai thác và phân chia, chỉ còn lại các khu vực xa trung tâm, cần đầu tư hạ tầng lớn. Chu kỳ suy giảm và đóng băng đã kéo dài gần 1,5 năm, kéo giá đất về đúng giá trị “thật”. Đà Nẵng sắp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể và kéo theo là đầu tư, phát triển hạ tầng mạnh mẽ”, ông Lập dự đoán.
Đại gia vỡ nợ trăm tỷ đồng
Mới đây, vụ 22 sổ đỏ “biến mất” tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà (Đà Nẵng) bị phát hiện, khiến dư luận xôn xao. Bởi, đằng sau đó là “vòng xoáy liên minh” giữa đại gia bất động sản, tín dụng đen... nhằm cứu vãn tình trạng bất động sản chạm đáy nhưng bất thành. Cảnh sát đã bắt giam Đào Thị Như Lệ - một đại gia bất động sản liên quan đến vụ việc này.
Bà Lệ khai nhận, đã vay hơn 500 tỷ đồng tại một số ngân hàng để đầu tư bất động sản vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Từ giữa năm 2019, giá đất “lao dốc không phanh”, bà Lệ phải bán tháo để cắt lỗ nhưng không có người mua. Bà Lệ phải tiếp tục đi vay bên ngoài hơn 500 tỷ đồng với lãi suất cao từ 5 - 30% để “cầm cự” nhưng mất khả năng thanh toán. Cuối cùng, với sự tiếp tay của bà Dương Thị Ngọc Anh (nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà), bà Lệ đã lấy 22 sổ đỏ của dân đem cầm cố cho các chủ nợ để gia hạn thời gian trả nợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận