Chuyện dọc đường

Đất đắp cao tốc và nỗi lo nghìn tỷ cần giải ngân

13/03/2023, 06:59

Các dự án giao thông trọng điểm, nhất là công trình cao tốc đang thi công gặp nhiều bất lợi khi thiếu hụt nguồn đất đắp.

Nguồn vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 đang đặt ra bài toán cấp thiết cần sớm được tháo gỡ. Bởi nếu chậm ngày nào, công tác giải ngân cũng như tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

img

Mặt bằng xôi đỗ, nguồn vật liệu đất đắp thiếu hụt đang đặt ra nhiều vấn đề đối với dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Tại Quảng Ngãi, dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn sau 2 tháng khởi công vẫn đang trong tình trạng mặt bằng xôi đỗ, chưa có vị trí nào dọc tuyến lên được mặt bằng đất đắp.

Dọc theo tuyến là hình ảnh những thiết bị cơ giới nằm chờ vì chờ mặt bằng và chờ đất đắp.

Trong khi đó, lãnh đạo Quảng Ngãi khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng hàng chục triệu m3 đất đắp và vật liệu cơ bản khác để phục vụ thi công cao tốc cũng như các khu tái định cư. Đồng thời, tỉnh này cũng khẳng định mặt bằng đã bàn giao 85%, cơ bản đáp ứng yêu cầu Thủ tướng giao và đảm bảo cho công tác thi công.

Song thực trạng ở hiện trường, việc mở rộng công địa bất thành, tiến độ đường găng đang rơi vào thế “làm không được, dừng không xong”.

Vậy nguyên nhân ở đâu?

Theo các nhà thầu, đó là vấn đề liên quan đến các mỏ vật liệu. Trong số 28 mỏ mà Quảng Ngãi chuẩn bị thì hơn phân nửa là mỏ thương mại đã được cấp phép trước đó, và phần còn lại là mỏ chỉ định.

Đối với mỏ thương mại, nhà thầu liên hệ với chủ mỏ để mua. Theo đó, giá bán ra phải bằng với giá công bố của Sở Xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế các nhà thầu đám phán để mua không hề dễ dàng khi mà các chủ mỏ vẫn băn khoăn về giá. Bởi lẽ, nếu bán cho nhà thầu với giá công bố phục vụ cao tốc thì chủ mỏ rơi vào tình trạng “không có ăn”.

Đối với nhà thầu thì chi phí đội lên cao hơn nhiều so với giá dự toán khi cước vận chuyển tăng lên rất lớn. Cụ thể, cước vận chuyển trong giá dự toán là 2.000 đồng/km, trong khi thực tế là 5.000 đồng/km.

Đối với mỏ chỉ định, sẽ áp dụng theo cơ chế đặc thù. Tuy vậy, đến thời điểm này các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và UBND các tỉnh, thành về thủ tục, hồ sơ pháp lý trước khi cấp phép khai thác mỏ vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Chính điều này dẫn đến tình trạng các đơn vị được chỉ định mỏ phải thực hiện thủ tục hồ sơ trên cơ sở của Nghị định 158 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Trong khi theo quy định của Nghị định 158, thời gian nhanh nhất để hoàn tất hồ sơ và ra mỏ khai thác phải ít nhất 5 tháng. Như vậy, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì nguy cơ tiến độ dự án lại tiếp tục rơi vào cảnh… chờ.

Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc dẫn đến dự án chậm tiến độ cũng đồng nghĩa dòng tiền cấp cho dự án lại tiếp tục nằm kho chờ giải ngân. Và câu chuyện chậm giải ngân đầu tư công sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Không riêng gì dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn mà nhiều dự án cao tốc khác đang triển khai thi công trong cả nước cũng rơi vào tình trạng bị động về nguồn vật liệu đất đắp.

Do đó, cần sớm có giải pháp một cách cụ thể, quyết liệt, hướng dẫn rõ ràng nhắm sớm tháo gỡ điểm nghẽn về vật liệu thi công, để các dự án đảm bảo được tiến độ theo yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.