Bất động sản

Đất dịch vụ ven đô Hà Nội “cháy” hàng

29/02/2024, 06:23

Đất dịch vụ (còn gọi là thương mại) đang được nhiều người tìm mua do lợi thế hạ tầng ngày càng đồng bộ, rẻ hơn các dự án thương mại.

Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế nên đất tăng giá vẫn không có hàng bán.

Giá đất dịch vụ tăng chóng mặt

Khu đất dịch vụ 12,5ha xã An Thượng phục vụ giải phóng mặt bằng một số dự án đầu tư trên địa bàn huyện Hoài Đức. Dự án nằm khuất sau Học viện Chính sách. Một năm trước, để vào đây, người dân phải đi vòng qua làng An Thượng hoặc đi qua dự án Sudico An Khánh. Thời điểm đó, những lô đẹp rao bán khoảng 50 triệu đồng/m2 nhưng bị chê đắt.

Đất dịch vụ ven đô Hà Nội “cháy” hàng- Ảnh 1.

Người dân đi mua đất đầu năm tại Hoài Đức.

Cuối năm 2023, đường liên khu 8 rộng 50m với thiết kế 6 làn xe chạy qua mặt tiền dự án, đấu nối vào đường Đại lộ Thăng Long. Việc di chuyển từ dự án ra trục giao thông dễ dàng nên giá đất ở đây tăng vọt.

Anh Nguyễn Trần Nam, người môi giới bất động sản tại dự án này cho biết, giá đất dao động 68 - 95 triệu đồng/m2. "Anh mua luôn đi, khu này còn tăng giá, đường liên khu 8 mới xong một đoạn. Khi thông xe từ đường 72 An Thượng đến xã Liên Hà, huyện Đan Phượng thì giá còn tăng nữa", anh Nam tư vấn.

Tương tự, khu đất dịch vụ 25,2ha khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức) nằm ngay Vành đai 3,5 cũng đang đà tăng giá theo tiến độ tuyến đường. Năm 2020, khi dự án trong giai đoạn san ủi, giá đất dịch vụ chỉ khoảng 35 - 50 triệu đồng/m2. Đầu năm 2023, đoạn đường trước mặt thảm nhựa, giá đất tăng lên 60 - 70 triệu đồng/m2.

Giữa năm ngoái đến nay, giá đất đã tăng lên 80 - 120 triệu đồng/m2 sau thông tin Nhà nước đầu tư dự án xây dựng nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Hoài Đức, Hà Nội) với số vốn hơn 2.450 tỷ đồng. Dự án đất dịch vụ Kim Chung - Di Trạch cách đó không xa cũng đã tăng thêm 10 triệu đồng/m2 chỉ trong 6 tháng gần đây.

Giá đất tăng, nhiều nhà đầu tư lãi đậm. Anh Nguyễn Văn Lập, một nhà đầu tư tại khu đất dịch vụ An Thượng cho biết, năm 2018, lúc đó dự án hoang vu, chiêm trũng, không có đường sá như bây giờ. Giá đất anh mua khi đó khoảng 20 triệu đồng/m2, lô đất 60m2 chỉ 1,3 tỷ đồng. Cuối năm 2023, anh bán sang tay giá hơn 50 triệu đồng/m2, lãi 1,8 tỷ đồng. Hiện lô đất của anh đang được chào bán trên các diễn đàn bất động sản với giá gần 80 triệu đồng/m2.

Còn anh Trần Văn Minh (ở Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) mua đầu tư 60m2 đất dịch vụ Vân Canh, Hoài Đức với giá 80 triệu đồng/m2. Sau 6 tháng, lô đất của anh được nhiều người trả giá 85 triệu đồng/m2. Anh Minh không bán vì cho rằng khi đường Vành đai 3,5 thông xe, giá đất còn tăng cao hơn nữa.

Không có thống kê riêng đối với đất dịch vụ, nhưng báo cáo chung về nhà đất Hà Nội của Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam cho thấy, tháng 1/2024, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 110%, đất dự án tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.

Giá tăng cũng không có hàng để bán

Giá đất dịch vụ tăng trông thấy, song không còn nhiều để giao dịch. Theo nhân viên môi giới bất động sản Nguyễn Trần Nam, kho hàng ở khu vực xã An Thượng, huyện Hoài Đức chỉ còn một lô rộng 76m2, giá bán 78 triệu đồng/m2 có thể mua bán được ngay.

Đất dịch vụ ven đô Hà Nội “cháy” hàng- Ảnh 2.

Phóng viên Báo Giao thông trong vai nhà đầu tư tìm mua đất dịch vụ An Thượng, Hoài Đức.

Tại khu vực đất dịch vụ Kim Chung (Hoài Đức), môi giới Trần Văn Đức cũng cho biết, đất rất hiếm, không có hàng để bán. Anh Đức thường phải đăng tin ảo để duy trì tương tác.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Quốc Oai cho hay, khoảng 2 năm nay, huyện không bàn giao đất dịch vụ nên không có hồ sơ liên quan đến đất dịch vụ đăng ký biến động qua văn phòng.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, huyện Mê Linh đang triển khai xây dựng hạ tầng khu tái định cư để trả đất dịch vụ cho dân, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hàng nghìn hộ dân được giao đất dịch vụ, như huyện Đan Phượng có 200 hộ, Hà Đông 600 hộ, Mê Linh 5.700 hộ, nhưng do nhiều vướng mắc, đến nay việc giao đất này bị "treo", khiến nguồn cung đất dịch vụ trên thị trường thêm khan hiếm.

Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã (nơi còn tồn tại việc giao đất dịch vụ) xây dựng kế hoạch chi tiết để giao đất dịch vụ cho các hộ dân, báo cáo Ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy để được lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm cơ bản hoàn thành giao đất dịch vụ cho người dân trước ngày 30/9.

Phân khúc nào sẽ sôi động năm 2024?

Theo Báo cáo đầu tháng 2/2024 của Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam, mức độ quan tâm đến bất động sản (BĐS) đã nhanh chóng tăng trở lại ngay sau kỳ nghỉ tết Giáp Thìn. Theo đó, lượng tìm kiếm BĐS toàn quốc bắt đầu đi lên từ mùng 2 Tết và giữ nhịp tăng khá mạnh, đến mùng 10 Tết đạt mức tăng 124% so với 1 tuần trước Tết.

Nhu cầu tìm mua BĐS trên toàn quốc trong tháng 1/2024 tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tin đăng bán cũng tăng 52%. Đáng chú ý, tháng 1/2024, tại Hà Nội, đất nền và đất dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh hơn cả chung cư, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 110%, đất dự án tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Chỉ số tâm lý người tiêu dùng BĐS nửa đầu năm 2024 cho thấy, 65% người được hỏi cho biết họ vẫn dự định mua BĐS trong một năm tới. Trong đó, tỷ trọng mua để đầu tư chiếm 60% và đất nền vẫn là loại hình được người mua tương lai quan tâm nhiều nhất.

Theo đại diện Property Guru Việt Nam, tại Hà Nội, những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực như mua bán, cho thuê căn hộ chung cư thứ cấp hay mặt bằng bán lẻ nội đô là những phân khúc sôi động.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.