Vững vàng nơi bão dữ quét qua
Chiều cuối năm, chuyến tàu cao tốc từ cảng Ao Tiên, huyện Vân Đồn ra huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chật ních khách. Tàu ra Cô Tô những ngày này không chỉ chở khách mà còn ăm ắp những thùng hàng chuẩn bị đón năm mới.
Anh Nguyễn Văn Bảy, nguyên cán bộ một đơn vị quân đội làm nhiệm vụ xây dựng công trình trên đảo Cô Tô cách đây gần chục năm, nay mới có dịp quay lại đảo. Đứng trên cầu cảng Cô Tô ngắm những dãy nhà cao tầng, những nhà hàng sang trọng hướng ra bãi biển, anh cho biết, khi anh ở Cô Tô thì huyện này chưa có điện lưới, hạ tầng giao thông nhỏ hẹp, cả huyện không có một khách sạn, nhà hàng nào.
"Sau trận bão Yagi, tôi lo lắng vì Cô Tô bị cuồng phong quần thảo. Nhưng nay ra đến đảo, thấy như chưa từng có bão dữ đi qua", anh Bảy chia sẻ.
Ông Đỗ Huy Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, Cô Tô là địa phương đầu tiên hứng chịu trận cuồng phong của bão Yagi. Toàn huyện có 75 tàu, thuyền, mảng bị chìm; 6 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn, khoảng 500 nhà dân bị tốc mái; khoảng 80% cây rừng trồng, rừng tự nhiên bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn khoảng 192,8 tỷ đồng.
Dù vậy, chính quyền và nhân dân trên đảo đã đoàn kết, đồng lòng, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Năm 2024, tổng thu ngân sách của huyện đạt 112,39% so với cùng kỳ năm 2023. Huyện đã kịp thời khắc phục hậu quả sau bão số 3 để phục hồi du lịch, nên tổng lượng khách đến địa bàn năm 2024 đã tăng trưởng mạnh mẽ với trên 310.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 2.500 lượt, bằng 119% so với cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 930 tỷ đồng…
Tại một số địa phương khác nơi tâm bão Yagi quét qua như huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, TP Hạ Long, thị xã Quảng Yên… cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu sức tàn phá nặng nề của bão.
Phục hồi thần tốc
Phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm", ngay sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động gần 71.000 lượt cán bộ chiến sỹ các đơn vị công an, quân đội và toàn dân nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Ngân sách tỉnh Quảng Ninh đã bố trí ngay 1.180 tỷ đồng từ nhiều nguồn để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, hầu hết các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời phục hồi và hoạt động hiệu quả chỉ một thời gian ngắn sau bão số 3.
Trong đó, du lịch là điển hình. Bão số 3 đổ bộ khiến hạ tầng du lịch của tỉnh bị tàn phá nặng nề. Như tại vịnh Hạ Long, hầu hết các điểm tham quan đều bị hư hại, luồng tuyến tàu du lịch bị cản trở do tàu, thuyền, bè mảng bị đắm, trôi dạt… Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tuần sau bão, vịnh Hạ Long đã đón khách thăm quan trở lại.
Kết thúc năm 2024, Quảng Ninh đã đón 19 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Các ngành, các lĩnh vực kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP quý IV của Quảng Ninh vẫn đạt 10,76%. Tính chung cả năm, GRDP của Quảng Ninh đạt 8,42%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 55.600 tỷ đồng, đạt 100% dự toán Trung ương và dự toán tỉnh giao từ đầu năm.
Tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn
Tại buổi nhận quyết định làm Phó bí thư Tỉnh ủy và được HĐND bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh: Năm 2024 là năm cuối nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 và triển khai đại hội Đảng các cấp.
"Trung ương rất kỳ vọng vào các tỉnh lớn, có nhiều tiềm năng như tỉnh Quảng Ninh, mong tỉnh tăng tốc, bứt phá, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung. Nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh cũng rất kỳ vọng vào sự đổi mới của chính quyền địa phương", ông Ấn nói.
Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai quyết liệt các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc của các dự án trọng điểm, quan trọng đang triển khai; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù mới cho khu kinh tế Vân Đồn...
Phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 12%; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu cả nước các chỉ số PCI, Par Index, SIPAS…
Bão số 3 được đánh giá là mạnh nhất trên biển Đông trong 30 năm qua và trong 70 năm trên đất liền nước ta. Cơn bão đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Cụ thể, toàn tỉnh có 30 người chết, 1.609 người bị thương, 102.859 ngôi nhà bị tốc mái, 1.453 căn bị đổ sập, hư hỏng nặng, 269 tàu bị chìm, đắm, 3.108 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, gần 5.000ha trồng lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng, trên 133.000ha rừng bị thiệt hại. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho Quảng Ninh khoảng 28.034 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận