Có dấu hiệu "nhờn luật"
Những ngày gần đây, câu chuyện về việc đất rừng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bị "xẻ thịt" nhận được sự quan tâm của dư luận.
Những ngày đầu tháng 8/2023, có mặt tại ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí), hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn), PV ghi nhận những căn biệt thự, ngôi nhà nguy nga rộng lớn ven sườn đồi, cùng với đó là những con đường bê tông kiên cố băng qua rừng.
Nhiều công trình nguy nga, đồ sộ mọc lên trên đất rừng Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Đáng chú ý, có không ít những công trình kiên cố đang được xây dựng tại đây bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương.
Cụ thể, cách cầu Đồng Đò khoảng 100m, một căn biệt thự 3 tầng, ước tính tổng diện tích gần nghìn mét vuông thuộc thôn Minh Tân, xã Minh Trí đang trong quá trình xây dựng. Tường của ngôi nhà ở bên trong và bên ngoài đã được trát hoàn thiện, hệ thống sân vườn được xây dựng kiên cố.
Biệt thự ba tầng rộng lớn ngang nhiên được xây dựng ở xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội bất chấp lệnh cấm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch UBND xã Minh Trí thừa nhận, công trình này xây dựng sai phép.
"Căn nhà này được xây dựng trong năm nay, chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu chủ công trình dừng xây dựng. Tuy nhiên, dù xã đã nhiều lần vào thu dụng cụ xây dựng như dao, bay, cuốc, xẻng thì hoạt động xây dựng căn nhà này vẫn cố tình diễn ra", ông Hảo nói.
Ông Hảo cho biết, căn nhà này xây dựng trên đất quy hoạch rừng, hiện nay xã đã ban hành quyết định cưỡng chế nhưng chủ nhà khiếu nại.
"Lần đầu tiên chủ nhà khiếu nại quyết định UBND xã, khi xã trả lời thì chủ nhà này tiếp tục khiếu nại lần hai đến UBND huyện. Hiện huyện đã trả lời thì chủ nhà đã khởi kiện quyết định của UBND xã ra tòa", ông Hảo nói.
Lâu đài, biệt thự vẫn "nuốt chửng" rừng Sóc Sơn sau kết luận thanh tra sai phạm.
Khi PV đặt câu hỏi, vì sao một công trình đồ sộ như vậy nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn từ khi bắt đầu xây dựng thì vị Phó chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết "họ không biết sợ".
"Xã lập hồ sơ từ khi bắt đầu xây móng và đã đình chỉ, nhưng họ cứ xây. Chúng tôi chỉ thu được đồ nghề chứ bắt người thì không bắt được. Chúng tôi vừa cưỡng chế phá bỏ một căn nhà bên cạnh nhưng họ vẫn xây ngày xây đêm", ông Hảo nói.
Cũng tại khu vực hồ Đồng Đò, nhiều khu đất đang bị san ủi và được xây dựng tường bao kiên cố, vật liệu đang được tập kết về.
Con đường bê tông dài hơn 300m băng qua rừng để dễ dàng vào các homestay, biệt thự ở xã Minh Phú hiện đã bị phá bỏ.
Còn tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, con đường bê tông rộng khoảng 7m, dày 30cm, dài hơn 300m băng qua rừng được xây dựng cách đây gần hai năm để dễ dàng vào các homestay, biệt thự. Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Huy Du khẳng định, con đường này xây dựng trái phép, tuy nhiên hiện xã chưa xác định được ai làm con đường này.
Nhiều cán bộ bị đình chỉ và kỷ luật liên quan đến sai phạm xây dựng
Tháng 10/2018, sau khi dư luận phản ánh tình trạng hàng loạt công trình mọc lên trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó tập trung vào điểm nóng vi phạm tại hai xã Minh Phú và Minh Trí.
Nhiều công trình đang có dấu hiệu tiếp tục xây dựng ở quanh khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Phú.
Đến tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành hai kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó, nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng hai xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.
Sau kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, với 76 công trình vi phạm nằm ở ven các hồ dưới chân núi thuộc địa bàn hai xã Minh Trí và Minh Phú được nêu trong kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý 40 trường hợp.
Với 36 trường hợp còn lại nằm ở ven hồ, khi huyện Sóc Sơn đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế thì trong năm 2020 Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng, chờ điều chỉnh quy hoạch rừng. Khi điều chỉnh quy hoạch xong, công trình nào phù hợp thì giữ lại còn không sẽ bị cưỡng chế.
Tuy nhiên, thực tế, sau khi có kết luận của thanh tra, hàng loạt công trình vẫn tiếp tục mọc lên trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết, tháng 6/2023, huyện này đã tạm đình chỉ ba phó chủ tịch UBND các xã: Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có hai chủ tịch xã của huyện này cũng bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.
Theo ông Ngọc, trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm phải lập hồ sơ xử lý, trong đó chủ yếu là ở xã Minh Phú và Minh Trí.
Huyện đã xử lý dứt điểm 124/187 trường hợp. Ngoài ra, xử lý được 149 trường hợp vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước và vi phạm theo các quyết định, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Sóc Sơn đã xử lý, cưỡng chế hơn 500 trường hợp vi phạm, trong đó năm 2022 hơn 300 trường hợp vi phạm, năm 2021 hơn 200 trường hợp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Sóc Sơn đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, chủ yếu ở xã Minh Phú và Minh Trí.
Trước tình trạng rất nhiều công trình vi phạm những năm gần đây dù cơ quan chức năng đã có nhiều kết luận và nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, phóng viên đặt câu hỏi "liệu có tình trạng cán bộ huyện Sóc Sơn bảo kê cho việc xây dựng trên đất rừng hay không?", ông Ngọc khẳng định: "không bao giờ có chuyện đó".
Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận có trình trạng cấp xã "giấu" nhiều trường hợp vi phạm dẫn đến lãnh đạo cấp huyện không nắm hết được tình hình.
"Con kiến không chui vừa nhưng con voi lại lọt"
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc, điều tra, thanh tra, xác minh làm rõ để xử lý vi phạm trên đất rừng ở Sóc Sơn.
Theo ông, đây là việc rất hệ trọng. Thời gian qua, tình trạng phá rừng gây sạt lở nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của người dân.
Về câu chuyện xây hàng loạt homestay, tự ý làm đường trong rừng ở Sóc Sơn, ông nhận định việc này là bất hợp pháp.
"Tại sao chuyện này lại xảy ra? Người ta làm đường, xây nhà kiên cố làm cả năm trời nhưng chính quyền địa phương ở đâu, cơ quan quản lý lâm nghiệp ở đâu mà không lên tiếng, không lập biên bản vi phạm?", ông Hoà đặt câu hỏi.
Ví von những công trình đồ sộ, xây sai phép tại Sóc Sơn như những "con voi", đại biểu Hòa nêu lên thực tế hiện có tình trạng "con kiến không thể chui lọt qua lỗ kim nhưng con voi lại chui lọt".
"Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc, điều tra, thanh tra, xác minh làm rõ để xử lý vi phạm. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính. Nếu có câu kết, gây bất lợi, thiệt hại đến tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước thì phải xử lý hình sự", ông Hòa đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận