Các lực lượng cùng người dân vào cuộc
Những ngày đầu tháng 1/2024, trên những cánh đồng của xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang thời kỳ đổ ải. Lớp đất màu sau khi cày thành những lớp thẳng tắp, phơi khô dưới ánh mặt trời để tới giai đoạn bơm nước vào, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Điều khác biệt so với những năm trước là sự cảnh giác cao độ của chính quyền và người dân trước nạn "đất tặc".
Bà Bùi Thị Lơ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng cho hay: "Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an, dân quân xã thường xuyên kiểm tra, túc trực ngăn chặn tình trạng "đất tặc". Chỉ cần một thông tin từ người dân hoặc cơ quan báo chí, chúng tôi sẽ lập tức có mặt để xử lý".
Theo bà Lơ, tình trạng lấy đất màu từ đồng ruộng trái phép thường xảy ra vào mùa hanh khô cuối năm, khi nhu cầu đất trồng cây của các nhà vườn tăng cao. Trước đây "đất tặc" chỉ dám lấy đất đã được cày ải, nay họ mang cả máy xúc, xe tải đi trộm.
Thực trạng đáng báo động này đã được Báo Giao thông phản ánh qua bài viết: "Hải Phòng: Những cánh đồng trơ trọi vì đất tặc" đăng tải ngày 19/12/2023, phản ánh tình trạng nhiều cánh đồng ở Hải Phòng bị các đối tượng sử dụng phương tiện máy xúc gạt toàn bộ lớp đất màu phía trên, chất lên ô tô đem bán.
Sau khi Báo Giao thông đăng bài báo trên, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản về việc xác minh, xử lý thông tin Báo Giao thông phản ánh về việc khai thác đất trái phép tại nhiều cánh đồng nông thôn.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương, Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương khẩn trương vào cuộc tìm hiểu vấn đề mà Báo Giao thông nêu, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác đất (nếu có).
Sau văn bản chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên đã họp với các lãnh đạo xã, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện để ngăn chặn tình trạng khai thác đất trái phép trên. "Không được để phát sinh vi phạm mới, nếu không chủ tịch các xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên trực tiếp chỉ đạo tại cuộc họp với các địa phương trên địa bàn huyện và các phòng ban chức năng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên cũng giao các xã kiểm tra các điểm được cho là nơi tập kết đất màu. Cơ quan chức năng còn ghi nhận tình trạng trộm đất ruộng, đất thuộc các dự án chuẩn bị triển khai xảy ra ở một số cánh đồng khác của huyện Thủy Nguyên.
Trao đổi PV, một cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện Thủy Nguyên) cho biết: Hiện nay, tại các xã đều có lực lượng công an chính quy về công tác tại địa phương. UBND huyện cũng rất quan tâm chỉ đạo ngăn chặn nạn khai thác đất trên cánh đồng.
Cần xử lý nghiêm
Là một nông dân lấy mảnh ruộng, cánh đồng là sinh kế, bà Nguyễn Thị May ở thôn 7 xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cảm nhận rất rõ sự quan trọng của đất màu đối với việc trồng cấy.
Nhìn mảnh ruộng bị bóc toàn bộ lớp đất màu mỡ trên cùng, bà May ngao ngán: "Chuẩn bị cho vụ cấy lúa sắp tới, tôi thuê người cày ruộng để chuẩn bị làm đất trồng canh tác vụ đông. Tuy nhiên, mảnh ruộng của tôi bị họ lấy máy xúc vào cào lấy hết lớp đất bề mặt mầu mỡ này trong đêm. Giờ muốn trồng cây vụ Đông cũng không thể trồng được".
Theo ghi nhận của PV, có trường hợp đang khai thác đất ruộng bị địa phương phát hiện và xử lý nhưng do thẩm quyền và mức độ vi phạm nên chỉ phạt hành chính khoảng vài triệu đồng rồi xong.
Sau một thời gian tạm lắng, những đối tượng trên lại quay trở lại đúng vị trí đó để khai thác đất tiếp. Chế tài xử lý hành vi hủy hoại đất còn quá nhẹ là một bất cập khiến tình trạng đất tặc vẫn có cơ hội tái diễn lộng hành.
Luật sư Hà Hương, Văn phòng Luật sư The Light nhìn nhận, theo Nghị định 91/2019, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu.
Trong khi đó, nếu trót lọt khai thác đất mặt vài sào ruộng, nhóm đối tượng có thể thu về vài chục triệu mỗi đêm. Lợi nhuận từ việc khai thác đất màu rất lớn nên nhiều đối tượng sẵn sàng đánh đổi để làm giàu bất chính.
"Vì vậy cần có chế tài riêng và biện pháp mạnh tay đối với những hành vi hủy hoại tài nguyên như trên để tránh gây thiệt thòi cho người nông dân và quan trọng nhất là giữ nguồn tài nguyên đất", luật sư Hương nói.
Theo ông Ngô Trung Kiên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, nạn "đất tặc" trên các cánh đồng đang canh tác đe dọa tới sự phát triển, sinh trưởng của cây trồng trong những vụ tới. Tầng đất mặt màu mỡ bị bóc hết sẽ khiến đất bị bạc màu, nếu không được cải tạo kịp thời, năng suất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa tới an ninh lương thực địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận