Thanh tra trên toàn quốc, xử nghiêm vi phạm
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên toàn quốc đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký quyết định ban hành ngay sau khi phát hiện vẫn còn nhiều bất cập trong công tác này.
Cục Đường bộ VN sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX (Ảnh minh họa)
Sau 2 tháng thực hiện, kết quả kiểm tra, thanh tra của Bộ GTVT và Sở GTVT các địa phương cho thấy, tại nhiều trung tâm còn có hiện tượng đào tạo vượt lưu lượng; công tác kiểm tra, giám sát tập huấn cho giáo viên dạy thực hành lái xe còn có nơi chưa thực hiện.
Việc khai thác dữ liệu thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT) để quản lý công tác đào tạo, dữ liệu của học viên trước khi sát hạch còn hạn chế; việc xét duyệt thí sinh dự sát hạch chưa đủ điều kiện dữ liệu DAT; công tác tổ chức sát hạch còn có nơi thực hiện chưa nghiêm; công tác thanh, kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch còn chưa được quan tâm, thực hiện.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận: Công tác quản lý đào tạo đã được thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuy nhiên đâu đó vẫn còn có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Những tồn tại, bất cập này đang được Sở tập trung khắc phục triệt để.
“Công tác sát hạch cũng được Sở GTVT TP.HCM ứng dụng công nghệ, thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, bằng chứng là tỷ lệ học viên thi đỗ sát hạch chỉ đạt hơn 60% đối với từng khóa đào tạo”, ông An nói.
Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Trường Đại học Việt - Đức, thực tế trên cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch lái xe đang có nhiều "kẽ hở", để lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.
Những bất cập trên không chỉ đến từ các trung tâm đào tạo, sát hạch mà còn đến từ chính người học. Vì lý do nào đó, ví dụ như muốn “bao đậu” mà người học thường tìm đến các trung tâm không đảm bảo chất lượng, bỏ tiền ra học nhưng không nhận lại đủ kiến thức, kỹ năng để điều khiển xe an toàn.
“Đừng đổ lỗi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chính người học phải tìm những nơi đào tạo nghiêm chỉnh, chất lượng để trang bị kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn. Người dân phải đấu tranh, không chấp nhận mua sản phẩm không đạt chất lượng”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, từ khi chúng ta đưa công nghệ vào để quản lý, giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe đã bộc lộ nhiều bất cập như: Một số cơ sở đào tạo có xe ô tô tập lái chưa lắp thiết bị DAT để đảm bảo tiêu chuẩn xe tập lái theo quy định
“Nguyên nhân là do trong thời gian khá dài với điều kiện thực tế khi đó, công nghệ thông tin trong lĩnh vực này chưa được ứng dụng, việc quản lý còn thủ công giấy tờ, quản lý thời gian và nội dung chương trình đào tạo mang tính định tính nên chưa giám sát được hoạt động đào tạo, sát hạch”, ông Quyền nói.
Đẩy mạnh phân cấp, ứng dụng công nghệ
Khẳng định sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa trong công tác này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng các phần mềm sử dụng trong các thiết bị DAT hay cabin điện tử phải đạt được sự thông minh cần thiết, bảo đảm tiện lợi cho người khai thác, sử dụng dữ liệu. Bên cạnh đó, hệ thống bảo an của phần mềm phải đủ mạnh để chống xâm nhập, can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu.
Về khắc phục các bất cập của thiết bị DAT, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, thông qua thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT), sẽ giám sát được quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường của học viên để làm căn cứ xét duyệt sát hạch.
Tuy vậy, thời gian đầu, các cơ sở đào tạo khá lúng túng trong việc thực hiện các quy định về truyền dữ liệu, hướng dẫn giáo viên vận hành thiết bị. Thiết bị hoạt động chưa ổn định, việc truyền dữ liệu về máy chủ còn bị gián đoạn. Phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu quản lý DAT chưa có đủ các tính năng thông minh để tự động phân tích các dữ liệu, phát hiện các phiên học bất thường.
“Chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe của Việt Nam đang dần tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới, đã có 85 quốc gia công nhận GPLX của Việt Nam, trong đó có các nước “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia", TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Trường Đại học Việt - Đức.
“Cục Đường bộ VN sẽ nâng cấp phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu DAT để tự động phát hiện, cảnh báo các phiên học có dấu hiệu bất thường như: Thời gian tập lái xe, thời gian nghỉ giữa hai phiên học chưa đúng quy định; các phiên học bị trùng xe, trùng học viên, trùng hành trình tại một thời điểm; tác động vào thiết bị DAT và dữ liệu DAT để gian lận trong đào tạo thực hành lái xe ô tô. Khi phát hiện vi phạm sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý”, ông Thống nói.
Đối với khâu sát hạch, ông Thống cho biết, Cục Đường bộ VN cũng sẽ nâng cấp phần mềm tiếp nhận hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình, trên đường để quản lý, giám sát quá trình sát hạch; tự động phát hiện, cảnh báo trên hệ thống những trường hợp có dấu hiệu gian lận.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho rằng, mặc dù công nghệ đã được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý giám sát đào tạo, sát hạch nhưng khó tránh khỏi trục trặc; con người và cả tư duy quản lý chưa thay đổi tư duy theo kịp công nghệ.
Nguyên nhân của các tồn tại được ông Cường chỉ ra là do một số quy định của pháp luật cứng nhắc, không còn phù hợp, dẫn đến các trung tâm đào tạo, sát hạch, học viên khó thực hiện.
Cục Đường bộ VN đã xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện Chỉ thị số 05 về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Kế hoạch đưa ra thời gian và lộ trình cụ thể cho từng công việc để khắc phục ngay các lỗ hổng còn tồn tại. Trong đó, Cục Đường bộ VN yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.
Cục Đường bộ VN sẽ rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Trong đào tạo sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng mở hơn, gỡ khó cho người học lý thuyết không có điều kiện học tập trung. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn phải đảm bảo.
Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại các Sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại.
Đặc biệt, đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ đã được Cục trình Bộ GTVT, trong đó việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe có vai trò quan trọng. Công nghệ sẽ giúp giám sát chặt chẽ, làm cho cán bộ, người thực hiện không thể, không dám, không muốn tham nhũng tiêu cực.
“Cục Đường bộ VN sẽ đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân rõ công việc, cấp Cục Đường bộ, sở GTVT làm gì, trung tâm đào tạo, sát hạch làm gì. Cục Đường bộ không tham gia trực tiếp công tác quản lý cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và cấp đổi GPLX. Việc này sẽ giúp xác định cụ thể trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận, tránh được tình trạng trách nhiệm là của chung, việc xử lý trách nhiệm cũng sẽ rõ ràng hơn”, ông Cường cho hay.
Không lâu sau khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đã ký ban hành Chỉ thị về đổi mới, tăng cường quản lý phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GTVT, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Các đơn vị chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe.
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận