Cầu Nhật Tân, một dự án giao thông sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. |
Trên 2.000 tỉ yên đầu tư ODA
Hiện, Nhật Bản là nước đứng đầu về cung cấp nguồn vốn ODA cũng như đầu tư tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1992 đến nay, tổng nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đã vượt qua con số 2.000 tỷ yên, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ 43%, đứng sau đó là môi trường, y tế chiếm tỷ lệ 15%, khai khoáng 3%, nông-lâm-thủy sản 2%...
Ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, đặc điểm nổi bật của viện trợ ODA Nhật Bản là luôn liên kết chặt chẽ hai hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí. “Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân thông qua tăng trưởng kinh tế và điều này đã minh chứng cho các thành quả ODA Nhật Bản trong hơn 20 năm qua,” ông Mori Mutsuya lý giải về sự ưu tiên của dòng vốn ODA Nhật vào lĩnh vực GTVT.
Dấu ấn trên những công trình giao thông
Các dự án được vay vốn ưu đãi của Nhật Bản trải dài trên toàn quốc. Tại Hà Nội có các dự án như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân… và mạng lưới quốc lộ nối các thành phố chính ở khu vực miền Bắc như Hà Nội và Hải Phòng đã được hoàn thiện, góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở Hà Nội và khu vực phía Bắc.
Nhiều cây cầu trên QL1 và tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam được xây dựng và nâng cấp cùng với hầm đường bộ Hải Vân ở miền Trung, cầu Cần Thơ ở khu vực sông Mekong, giao thông nối hai miền Nam Bắc của Việt Nam được đầu tư bằng vốn vay ODA Nhật Bản đã được cải thiện một cách đáng kể, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng khu vực.
Đặc biệt, Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải khởi công vào cuối năm 2008 và khánh thành đầu năm 2013 với tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng, trong đó có một phần rất lớn là vốn ODA từ Nhật Bản, đây là một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại JICA đã hỗ trợ dự án ngay từ khi xây dựng kế hoạch đến thiết kế và thi công.
Cảng mới này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quốc tế của khu vực sông Mekong bao gồm cả Campuchia và Thái Lan, thông qua hành lang kinh tế phía Nam.
Mới đây, hai công trình trọng điểm được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, đó là cầu Nhật Tân và Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, được Chính phủ Việt Nam xác định là công trình trọng điểm quốc gia, đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, là đồng thời rút ngắn tuyến đường từ trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài. Dự án công trình xây dựng Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có tổng đầu tư gần 900 triệu USD, trong đó có gần 700 triệu USD là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, sau khi hoàn thành đáp ứng 10 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, có thể kể đến những công trình giao thông quan trọng khác như cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Đà Nẵng ở miền Trung và nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất... những cửa ngõ hàng không và cảng biển của Việt Nam cũng được khởi công bằng nguồn vốn này.
Trong các dự án ODA cho giao thông, ông Mori Mutsuya rất ấn tượng với dự án xây dựng đường vành đai 3 của thủ đô Hà Nội được thông xe vào tháng 10/2012. “Dự án đã áp dụng và phát huy công nghệ kỹ thuật hiện đại của doanh nghiệp Nhật Bản. Thời gian thi công dự kiến ban đầu là 30 tháng nhưng đã được rút xuống còn 15 tháng. Đây là một ví dụ tốt cho các dự án ODA sau này về mặt chất lượng thi công và quản lý an toàn…” - ông Mori Mutsuya chia sẻ.
Hiện nay, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam có 2.237 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 35,38 tỷ USD. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân 1 dự án của Nhật Bản là 15,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân chung 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (là 14,58 triệu USD/dự án).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận