Kinh tế

Dấu ấn tích cực từ dầu thô khi nguồn thu ngân sách sụt giảm vì Covid-19

23/11/2021, 15:10

Trong khi nguồn thu thu nội địa đang có dấu hiệu đuối sức vì dịch Covid-19 thì thu từ dầu thô vẫn có dấu hiệu tích cực.

Thu ngân sách có chiều hướng giảm từ tháng 5/2021

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2021, thu ngân sách ước đạt 1.004.200 tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 820.400 tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán.

Kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt khá là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ (kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế ước tăng 34%).

img

Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lo ngại tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.

Thực tế, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang có chiều hướng giảm từ tháng 5/2021 đến nay. Cụ thể, trong 78.600 tỷ đồng thu ngân sách của tháng 8 thì thu nội địa ước đạt 63.200 tỷ đồng, giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7.

Đồng thời, nhiều chỉ dấu cho thấy thu nội địa, khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, đang có dấu hiệu đuối sức vì dịch bệnh.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng.

Tháng 4 thu được 115.600 tỷ đồng (đạt 10,2% dự toán); tháng 5 thu được 85.000 tỷ đồng (7,5% dự toán); tháng 6 thu được 80.500 tỷ đồng (7,1% dự toán); tháng 7 thu được 114.400 tỷ đồng, nếu không kể 37.000 tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý thì chỉ thu được 77.400 tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8 thu được 63.200 tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).

“Thực tế số thu ngân sách tháng 8 đã cho thấy tác động nặng nề, toàn diện của dịch bệnh Covid-19 đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế và số thu ngân sách”, ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Trong khi các nguồn thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu đạt mức thấp so với dự toán, Bộ Tài chính cho biết vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong nguồn thu từ dầu thô.

Cụ thể, trong 8 tháng qua, thu ngân sách từ dầu thô vẫn đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ.

Chủ động vượt khó

Theo báo cáo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do Covid-19 bùng phát, sản lượng tiêu thụ giảm, nhà máy tồn 200.000 m3 xăng dầu thành phẩm, tương đương với 1,2 triệu thùng và 400.000 m3 dầu thô.

Trước thực trạng này, BSR đã giảm công suất nhà máy xuống 90% từ ngày 3/8; đồng thời gửi kho 25.000 m3 xăng, và đang có kế hoạch gửi tiếp 100.000-120.000 m3 trong tháng 8 này. Tồn kho sản phẩm tăng cao khiến nhà máy đối diện với rủi ro không còn chỗ chứa sản phẩm; nguy cơ dừng hoạt động.

Thông tin từ Tổng cục Hải Quan cho biết, trị giá xuất khẩu có thuế của mặt hàng dầu thô trong tháng 8/2021 ước đạt 45 triệu USD, giảm 70,2% so với tháng trước.

img

Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa

Lượng xuất khẩu dầu thô trong 8 tháng/2021 ước đạt 1,88 triệu tấn, trị giá ước đạt 989 triệu USD, giảm 45,9% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng, trong tháng 8, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc giãn cách xã hội tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn như TP. HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và nhiều địa phương là địa bàn, thị trường hoạt động chính của các đơn vị dầu khí.

“Petrovietnam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thị trường các sản phẩm dầu khí. Bên cạnh sức mua giảm mạnh, lực cầu yếu, đứt gãy các chuỗi cung ứng, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông do giãn cách xã hội đã tác động rất mạnh đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn như: xăng dầu, khí tự nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… “, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, do có sự chủ động và kinh nghiệm ứng phó “khủng hoảng kép” từ đầu năm 2020, nên trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 năm 2021, Petrovietnam đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cùng với chiến lược đồng bộ trong xây dựng kịch bản, kế hoạch và tổ chức kiểm soát chặt chẽ đầu vào, áp dụng nghiêm túc 5K, triển khai mô hình sản xuất phù hợp, vận hành hiệu quả “ba tại chỗ” kết hợp tạo vùng đệm, vùng kết nối an toàn cho sản xuất.

Kết quả tổng doanh thu PVN 8 tháng đạt hơn 390,7 nghìn tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch 8 tháng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Nộp NSNN toàn Tập đoàn 8 tháng đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, vượt 38% so với kế hoạch 8 tháng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất PVN đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, vượt 177% so với kế hoạch 8 tháng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh tiêu thụ xăng dầu sụt giảm, từ tháng 8, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về việc bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp; Ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các Nhà máy lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành; Bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.