Chủ quan bỏ qua dấu hiệu “vàng” phát hiện ung thư
Đau mỏi cổ vai gáy và đau cột sống thắt lưng suốt 1 năm, nhưng mới đây chị Đ.H.T (35 tuổi, ở Yên Bái) mới đi khám. Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Medlatec, chị T chia sẻ với bác sĩ, khoảng 1 tháng nay chị đau vùng cổ chân, bắp chân, đau tăng khi thay đổi tư thế, đồng thời kèm đau cột sống cổ lan xuống bả vai, đau cột sống thắt lưng lan xuống hông phải, đau âm ỉ, liên tục. Đặc biệt, cách đây 1 năm có tiết máu tuyến vú.
Phụ nữ nên định kỳ tầm soát ung thư vú, đặc biệt với người có yếu tố nguy cơ cao.
Với tình trạng bệnh nhân từng “tiết máu tuyến vú”, bác sĩ cho rằng đó là dấu hiệu “vàng” gợi ý bất thường ở tuyến vú. Kết quả xét nghiệm và thăm dò chuyên sâu về tuyến vú cho kết quả nghi ngờ ung thư vú.
Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng hơn 165.000 ca mắc ung thư mới, trong đó có khoảng 15.229 ca ung thư vú, chiếm 20,6% tổng số các loại bệnh ung thư ở phụ nữ.
Chỉ định sinh thiết tuyến vú hai bên và chọc xét nghiệm tế bào hạch nách trái, kết quả giải phẫu bệnh khẳng định “ung thư tuyến vú trái. Tiếp tục chụp chiếu cho thấy ngoài các đám tổn thương tuyến vú, còn nhiều ổ tiêu xương của đốt sống cổ, ngực, thắt lưng, các nốt tổn thương rải rác trong gan và phổi. Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện K điều trị theo phác đồ.
90% dịch tiết bất thường ở vú là do ung thư
Chia sẻ thêm về bệnh nhân này, PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Medlatec bày tỏ tiếc nuối: “Mặc dù xuất hiện dấu hiệu bất thường "tiết dịch tuyến vú" 1 năm trước, nhưng chủ quan đến khi đi khám thì ung thư đã ở giai đoạn cuối và di căn. Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ nếu thấy có tiết máu, tiết dịch ở vú bất thường thì 80-90% nghĩ đến bệnh lý tuyến vú, vì vậy khi thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường này, để tránh hậu quả đáng tiếc, chị em nên cảnh giác đi khám ngay”.
Ông Dũng cũng khuyến cáo, ung thư vú là bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ. Điều đáng lo lắng là những năm trở lại đây độ tuổi mắc ung thư vú ở nước ta ngày càng trẻ hóa và hay gặp hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, do sự chủ quan, ngại đi khám nên đa số chị em đi khám khi có dấu hiệu bất thường như khối u, cục trong vú, đau vú, thay đổi kích thước, màu sắc, tiết dịch... lúc này đi khám thì đại đa số bệnh đã trở nặng và gây tốn kém chi phí điều trị, tuổi thọ của người bệnh.
Vì vậy, để kiểm soát bệnh ung thư vú, chuyên gia khuyến cáo chị em nên tầm soát định kỳ hàng năm. Đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như: tuổi tác (từ tuổi 50), di truyền, tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc ung thư vú, tiền sử mắc ung thư vú, sử dụng hormone nữ giới, thói quen uống bia rượu, thừa cân/béo phì, hoặc tiếp xúc với các chất gây ung thư...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận