BSCKI. Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa Thần kinh, BV Đa khoa Medlatec cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên các cơn đau đầu, trong đó đa phần là lành tính. Tuy nhiên chứng đau đầu liên tục cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm.
Theo đó, có 2 nhóm nguyên nhân gây nên đau đầu; đó là nhóm nguyên nhân bệnh lý và không do bệnh lý.
Với nhóm nguyên nhân bệnh lý, đau đầu có thể là dấu hiệu của các bệnh như:
Viêm xoang: Gần 90% bệnh nhân mắc bệnh này đều kèm theo triệu chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Cần sử dụng các thuốc kháng sinh đặc trị để chữa khỏi viêm xoang, từ đó cơn đau đầu thường xuyên, liên tục cũng sẽ được loại bỏ.
Tăng nhãn áp: Rối loạn điều tiết ở mắt và một số bệnh lý khác của nhãn cầu có thể gây đau đầu một bên dữ dội, kèm theo biểu hiện đỏ mắt và suy giảm thị lực.
Đau nửa đầu Migraine: Là một trong số nguyên nhân gây đau đầu phổ biến, với đặc điểm đau nửa đầu tái diễn từng cơn, khi bên phải lúc bên trái, mức độ từ vừa đến dữ dội, mạch da đầu căng giật,... bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trung niên và có xu hướng xảy ra vào buổi sáng.
Thiếu máu nặng: Các triệu chứng đau đầu kèm theo chóng mặt, mệt mỏi,... có thể bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu máu nghiêm trọng. Bệnh nhân cần uống bổ sung sắt để điều trị được bệnh này, cũng như loại bỏ được chứng đau đầu.
Các bệnh mạn tính khác: Đau đầu liên tục còn là triệu chứng thường gặp của nhiều căn bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ, đau xơ cơ,...
Theo BS. Tuấn, đau đầu cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh nghiêm trọng khác như:
Tai biến mạch máu não (đột quỵ): Nhóm đối tượng có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cần lưu ý với các triệu chứng đau đầu liên tục. Khi đau đầu kèm nôn mửa, thay đổi ý thức, mất thăng bằng, giảm thị lực và khả năng nói, tê bì vùng mặt hoặc toàn thân,... là dấu hiệu của tai biến.
Khối u não: Dù khá hiếm gặp nhưng hơn 50% số người có khối u trong não bị đau đầu dai dẳng nhiều tháng không khỏi, thường xuất hiện khi nửa đêm về sáng, tiến triển tăng dần đến mức dữ dội.
Nhiễm trùng não – màng não: Nếu đau đầu liên tục và lan tỏa ở người thường hay bị sốt hoặc thể trạng nhiễm trùng, kèm theo đó là cứng vùng gáy, sợ ánh sáng và tiếng động cần thăm khám nhiễm trùng não – màng não.
Di chứng của chấn thương hoặc tai nạn: Khi có biểu hiện đau đầu tăng dần, thường kèm theo nôn, bệnh nhân cần được chụp CT scan hoặc MRI sọ não tìm ra tổn thương máu tụ mạn tính để kịp thời can thiệp.
Ngoài ra, đau đầu cũng có nguyên nhân không phải từ bệnh lý mà do áp lực công việc, gia đình, xã hội hay những thói quen sinh hoạt không khoa học gây nên. Do vậy, đối với các trường hợp đau đầu nhẹ và không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, bệnh nhân có thể tham khảo những cách giúp hỗ trợ giảm đau như sau: Kiểm soát căng thẳng, thư giãn tinh thần; Uống nhiều nước mỗi ngày; Luyện tập thể dục đều đặn; Ăn nhiều rau xanh; Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích; Bổ sung các vitamin cần thiết mà cơ thể đang thiếu hụt...
“Bệnh nhân cần lưu ý không nên lạm dụng thuốc giảm đau khi tình trạng đau đầu liên tục kéo dài và lặp lại nhiều lần. Bởi thuốc giảm đau có thể làm ẩn dấu hiệu bệnh, khiến bệnh lý đang tiềm ẩn diễn tiến nặng thêm. Do vậy, khi có dấu hiệu đau đầu kéo dài người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị dứt điểm”, BS. Tuấn khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận