Tiền bán đấu giá được nộp vào ngân sách
Sau phiên đấu giá lần đầu tiên đối với 11 biển số xe ô tô vào ngày 15/9, Bộ Công an cho biết, tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 82,3 tỷ đồng.
Việc đấu giá biển số đẹp, với số tiền khủng cho thấy đây là kho tài nguyên lớn. Vậy toàn bộ khoản tiền liên quan các phiên đấu giá sẽ được sử dụng ra sao?
Theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Điều 22 của Nghị định 39/2023/NĐ-CP về thí điểm đấu giá biển số ô tô quy định, toàn bộ tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá và tiền lãi phát sinh (nếu có) thì nộp về ngân sách nhà nước.
Các khoản chi phí tổ chức đấu giá sẽ do Bộ Công an phê duyệt.
Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá biển số ô tô phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (sau khi khấu trừ khoản đặt cọc là 40 triệu đồng).
Quá thời hạn trên, cá nhân trên không nộp đủ tiền, thì cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan việc tổ chức đấu giá sẽ hủy kết quả. Sau đó, biển số xe được đưa ra đấu giá lại, còn số tiền đặt trước (40 triệu đồng) nộp vào ngân sách nhà nước.
Sau đó, khi lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, Bộ Công an cũng căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách.
Số tiền này sẽ nhằm phục vụ các lĩnh vực như: Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đảm bảo an ninh trật tự...
Thù lao dành cho đơn vị tổ chức đấu giá tài sản
Đối với đơn vị tổ chức đấu giá biển số, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các khoản thù lao dành cho bên tổ chức được quy định tại Điều 66 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016.
Cụ thể, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Riêng tài sản của Nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này, thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định.
Dẫn thêm Thông tư số 108/2020/TT-BTC (Có hiệu lực từ ngày 4/2/2021) của Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, luật sư Nguyễn Văn Quynh phân tích, khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho một hợp đồng (trong trường hợp đấu giá thành công) tối thiểu là 1 triệu đồng, tối đa 400 triệu đồng.
Nếu đấu giá không thành công, người tham gia đấu giá cần thanh toán các chi phí đấu giá tài sản như: Chi phí niêm yết, thông báo công khai; Chi phí thực tế hợp lý khác cho việc đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận.
Theo luật sư, trong đấu giá biển số xe ô tô là mức lệ phí 100.000 đồng tiền hồ sơ tham gia đấu giá cho mỗi biển số xe ô tô.
"Như vậy, đơn vị tổ chức đấu giá được hưởng % chi phí trên các tài sản được bán đấu giá theo các quy định của pháp luật", luật sư Quynh nhấn mạnh.
Trong phiên đấu giá ngày 15/9, giá trúng đấu giá cao nhất là 32,340 tỷ đồng thuộc về biển số 51K-888.88. Giá trúng đấu giá thấp nhất là 650 triệu đồng thuộc về biển số 15K-188.88.
Biển số 19A-555.55 được đấu giá 2,69 tỷ đồng; 30K-555.55 là hơn 14 tỷ đồng; 99A-666.66 hơn 4 tỷ đồng; 36A-999.99 hơn 7 tỷ đồng; 43A-799.99 hơn 1,1 tỷ đồng; 47A-599.99 hơn 1,3 tỷ đồng; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89 được chốt giá hơn 13 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận