>>> Biển số định danh cho ô tô con có được gắn sang xe tải?
Kết thúc các phiên đấu giá 20 biển số xe ô tô chiều 26/9 (từ 13h30-15h45), biển số ngũ quý 60C-666.66 (Đồng Nai) trúng đấu giá ở mức cao nhất với 1,765 tỷ đồng. Trong khi đó, các biển số sảnh tiến 60K-345.67 và 92A-345.67 (Quảng Nam) được chốt giá lần lượt là 370 triệu và 500 triệu đồng.
Đáng chú ý, ba biển số có cùng mã vùng TP.HCM gồm 51K-888.89, 51K-939.39 và 51K-799.99 có giá trúng lần lượt là 1,535 tỷ; 1,27 tỷ và 1,455 tỷ đồng.
14 biển số còn lại được người mua trả giá và trúng đấu giá với các mức từ 40 triệu đồng (30K-620.99) đến 730 triệu đồng (20A-699.99).
Như vậy, trong các ngày 15, 21, 22, 25 và 26/9, các bên liên quan đã tổ chức đấu giá 145 biển số xe ô tô. Trong đó, phiên đấu giá ngày 15/9 ghi nhận mức giá trúng đấu giá cao nhất là 32,340 tỷ đồng thuộc về biển số 51K-888.88. Ngoài ra, 30K-555.55 trúng ở mức hơn 14 tỷ đồng; 99A-666.66 hơn 4 tỷ đồng; 36A-999.99 hơn 7 tỷ đồng...
Tính đến ngày 25/9, có 7 người trúng đấu giá được ghi nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Riêng hai người trúng đấu giá các mức giá cao nhất (32,3 tỷ và 14 tỷ) chưa nộp đủ tiền theo quy định.
Từ 8h-15h45 ngày mai (27/9), thêm 50 biển số khác tiếp tục được đưa ra đấu giá. Người tham gia cần đặt cọc 40 triệu đồng và tiền hồ sơ 100.000 đồng để trả giá.
Theo Thông tư 24/2023, biển số đã định danh cho xe tải thì chỉ được cấp lại cho một chiếc xe tải, không thể gắn vào xe con và ngược lại.
Tương tự, biển số định danh cho xe khách chỉ được cấp lại cho xe khách, không thể gắn cho xe con, xe tải, xe bán tải...
Quy định nêu trên cũng được áp dụng cho xe máy. Theo đó, biển số định danh được cấp lại cho xe máy có cùng dung tích xi lanh. Còn xe mới mà khác mức dung tích xi lanh với xe cũ, thì chủ phương tiện cần bấm biển số khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận