Theo 2 phương án đấu giá biển số xe, phương án 1 không khác biệt với cách quản lý biển số hiện nay.
Phương án này sẽ đảm bảo được công tác quản lý Nhà nước đối với biển số xe trúng đấu giá. Tuy nhiên, hiệu quả đấu giá sẽ không cao. Bởi nếu quy định không được chuyển nhượng sẽ không đúng với quyền tài sản.
Nhiều năm qua, việc đấu giá biển số xe đã được đặt ra nhưng vướng các luật hiện hành như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản Nhà nước (Trong ảnh: Người dân đi đăng ký biển số xe ở Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải
Với phương án 2, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng. Tức là người sở hữu biển số đó khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác của mình.
Phương án này giúp công tác đấu giá biển số sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số, cách quản lý biển số trúng đấu giá sẽ khác biệt hoàn toàn với cách quản lý hiện nay.
Thật ra, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về điều này. Tình trạng đầu cơ có thể xảy ra, nhưng nguy cơ không cao.
Bởi đối với những loại hàng thiết yếu thì Nhà nước mới quy định để hạn chế việc đầu cơ, còn đối với biển số xe thì có thể để tự do mua bán theo thị trường.
Khi đã xem biển số xe như một tài sản thì sẽ có việc mua đi bán lại, sẽ có việc mua gom, nhưng việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động quản lý.
Ở đây đề án đã đưa ra quy định là nếu sau 6 tháng, người trúng đấu giá không gắn biển số vào phương tiện thì sẽ mất quyền đăng ký và cũng không được hoàn tiền. Vì thế mà có lẽ ít người nghĩ đến chuyện đầu cơ.
Một vấn đề khác nhiều người cũng đặt câu hỏi là liệu có xảy ra chuyện bỏ cọc sau trúng đấu giá hay không, khi đó sẽ xử lý thế nào? Theo tôi, chắc chắn cơ quan quản lý đã lường trước được điều này, sau rất nhiều vụ bỏ cọc trúng đấu giá đất vừa qua.
Chẳng hạn như cơ quan quản lý có thể quy định người tham gia đấu giá phải cọc một số tiền nhất định, giá trị tương đối lớn; các nghĩa vụ ràng buộc khác của người tham gia đấu giá… Vì thế, việc bỏ cọc cũng thật sự không đáng lo ngại.
Thông thường, giá trị biển số xe sẽ nhỏ hơn rất nhiều lần so với giá trị một chiếc xe. Khi đã có tiền mua xe thì ít khi người ta không đủ tiền để tham gia đấu giá biển số. Chắc chắn những người tham gia đấu giá đều là những người có khả năng tài chính và có đam mê.
Một đại biểu Quốc hội từng cho biết, theo nghiên cứu của ông thì trong mỗi series số, ví dụ từ BKS 30A-000.01 đến 30A-999.99 có 99.999 số, sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ. Vì thế, số tiền thu được nếu cho đấu giá sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Thật ra khó có thể ước lượng được chính xác vì chưa biết thực tế thế nào. Song nghiên cứu trên cũng phần nào cho thấy, chắc chắn ngân sách sẽ thu được số tiền không nhỏ nếu cho phép đấu giá biển số xe, trong khi “để không” như hiện nay thì không thu được gì. Vậy thì còn lý do gì để chần chừ trong việc này nữa?
Luật sư Đặng Văn Cường
(Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận