Thu hàng nghìn tỷ từ đấu giá đất
Đơn cử như tại Thanh Oai, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai tổ chức thành công phiên đấu giá Quyền sử dụng đất đối với 4 thửa đất Khu Đồng Đế, thôn Cầu, xã Cự Khê, 29 thửa đất Khu Cửa Chùa, thôn Cao Mật Hạ, xã Thanh Cao; 20 thửa Khu trại chăn nuôi thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Sau khi đấu giá, nhiều người tham gia và đã trúng đấu giá, giá trúng đấu giá khoảng 53 triệu/m2.
Một phiên đấu giá đất tại Đông Anh
Tương tự tại Mỹ Đức, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tổ chức thành công cuộc đấu giá Quyền sử dụng đất của thửa 7 tại đội 6, thôn Phúc Lâm Hạ, xã Phúc Lâm, Hoài Đức. Giá trúng đấu giá khoảng 21 triệu/m2.
Tổ chức đấu giá thành công ở nhiều địa phương khác như Phúc Thọ, Đông Anh, Gia Lâm...Trong đó, Đông Anh dẫn đầu hành phố Hà Nội về số thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất.
UBND huyện Đông Anh cho biết tính đến giữa tháng 11/2022, địa phương này đã tổ chức thành công 21 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 36.401m2 (tương ứng 324 thửa), thu về cho ngân sách nhà nước của huyện gần 1.800 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2022 sẽ thu từ đấu giá đất khoảng 2.500 tỷ đồng.
Đấu đấu giá có lợi thế về pháp lý
Chị Nguyễn Phương Giang, một khách hàng trúng giá đất tại Đông Anh chia sẻ, chị đặt kỳ vọng lớn vào tỷ suất sinh lời của lô đất bởi vị trí tốt, mức giá khởi điểm mua vào hợp lý.
Hiện nay, chị vẫn đang tìm kiếm thông tin những cuộc đấu giá để nộp hồ sơ tham gia, chị kỳ vọng nguồn hàng của mình tiếp tục được bổ sung những lô đất mới.
Lý giải sự quan tâm của chị đối với phân khúc này, chị Giang cho biết, đất đấu giá tính pháp lý đảm bảo. Điểm cộng của loại hình này chính là quy hoạch đẹp, các trục đường kết nối nội khu xây dựng hiện đại, vỉa hè thông thoáng. Đất đấu giá là sự lựa chọn hợp lý dành cho người dân có nhu cầu ở thực.
Mặt khác, người dân sẽ có xu hướng chuyển dịch dần ra vùng ven. Đất các khu vực ven Hà Nội chắc chắn sẽ tăng do hạ tầng kết nối vào trung tâm ngày càng hoàn thiện. Mặt khác, cũng do quỹ đất rộng, nên các lô đất dự án hoặc đất đấu giá đều được quy hoạch bài bản, hạ tầng giao thông hiện đại.
Cũng theo chị Giang, đây là thời điểm tốt để tìm kiếm lựa chọn lô đất đẹp cho mục tiêu tích sản.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Đông Anh Land, nhiều nhà đầu tư vẫn đang mạnh tay xuống tiền đất đấu giá bởi pháp lý rõ ràng, được chính quyền cắm mốc thực địa cho người sử dụng nên không vướng tranh chấp, không dính quy hoạch treo, không bị lấn chiếm, chồng lấn,…
Hơn nữa, theo quyết định trúng đấu giá, người trúng đấu giá đất sẽ nộp tiền trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước nên không bị kẻ xấu trục lợi, cũng không lo bị môi giới làm giá. Ngoài ra, trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra nhanh chóng, đơn giản. Vì thế, đất nền đấu giá luôn là mặt hàng mà dân đầu tư bất động sản tìm kiếm.
Đấu giá đất cần tạo nguồn thu bền vững
Nguồn thu ngân sách chính là nguồn lực quan trọng để phát triển đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ngay như huyện Đông Anh, năm 2023, đơn vị này được thành phố Hà Nội giao thực hiện nhiều dự án đầu tư công liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội, như: dự án cải tạo khu di tích Cổ Loa; Xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền; Dự án xây dựng trường học liên cấp được thiết kế hiện đại, quy mô..., với tổng mức dự toán trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Thành phố Hà Nội cũng xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công cấp thành phố 26.184,646 tỷ đồng. Trong đó, sẽ bố trí nguồn vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả, bổ sung Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, vốn thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, vốn thanh quyết toán, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch là 4.340,305 tỷ đồng.
Nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư công cấp thành phố là 15.720,291 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ giao vốn cho 256 dự án, gồm: 219 dự án chuyển tiếp với số vốn 13.107,791 tỷ đồng; 37 dự án mới với số vốn 2.612,5 tỷ đồng…
Lợi ích thì thấy rõ, thế những cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có kế hoạch nhìn xa để nguồn thu tư đất được bền vững. PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Luật TP.HCM) kiến nghị đấu giá đất cần có kế hoạch nhìn xa 50 năm, 100 năm... nếu không muốn quỹ đất không còn để bán, ngân sách cho thế hệ sau không còn.
Theo ông Khánh, cần chia quyền sử dụng đất thành 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm dùng để bán đấu giá tạo ra ngay nguồn lực đầu tư công cho địa phương.
Nhóm 2 là nhóm vẫn đưa vào chuyển nhượng, đấu giá nhưng phải đặt trong bối cảnh tạo nguồn thu liên tục, ổn định, dài hạn cho ngân sách.
"Thay vì chúng ta đấu giá, bán 3.000 tỉ, thanh toán 1 lần thì liệu rằng chúng ta có phương án tài chính để thanh toán mỗi năm 100 tỉ, trong bao nhiêu năm để tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách... Như vậy con cháu chúng ta về sau và ngân sách sau này sẽ có nguồn đảm bảo", ông Khánh nói.
Còn nhóm 3 là nhóm nên giữ lại ít nhất trong vài chục năm tới và Nhà nước xem đó là khoản đầu tư công, tài sản đấy sẽ tăng giá hơn rất nhiều. "Việc bán tài nguyên là quyền sử dụng đất qua đấu giá phải dựa trên nền tảng nhu cầu sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn phải cao hơn so với sự tăng giá tài sản...", ông Khánh góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận