Nhiều người đã nghĩ ra cách quỳ gối, ôm biển xin việc ở những nơi đông người để gây sự chú ý |
Người Trung Quốc có câu “đầu gối nam tử bằng vàng”, ý là đàn ông chỉ đứng chứ không quỳ. Những hiệp khách anh hùng trong truyện chưởng của Kim Dung với Cổ Long bất kể hắc - bạch, đường hoàng hay thủ đoạn, cơ bản chả bao giờ quỳ.
Quỳ - với đàn ông Á Đông là rất to chuyện.
Năm ngoái, cả nước xôn xao vì vụ tay bán hàng bên Singapore lừa ép mua iPhone, khiến ông du khách Việt phải quỳ xuống mà xin. Dân Việt sôi tiết, dân Singapore cũng sôi tiết. Tay bán hàng ấy sau bị tù. Ông du khách Việt Nam sau không nhận tiền quyên góp của dân Singapore (gấp nhiều lần giá trị cái iPhone). Nhưng dân Việt Nam thì không nhớ đến hành vi từ chối nhận đền bù đầy tự trọng của người du khách, cũng chẳng quan tâm tình thế bức bách khiến người ấy hoảng loạn đến mức phải quỳ. Đọng lại trong trí nhớ nhiều người là cái đầu gối. Đại khái ấm ức vì 1 đấng tu mi nam tử Việt phải quỳ khóc mất thể diện vì 1 cái điện thoại.
Mấy ngày trước ở Hà Nội, lại 1 thanh niên quỳ bên vệ đường, cầm tờ giấy khổ lớn viết vài dòng xin việc làm, ngôn từ tuyệt vọng. Dân ta lại chia 2 phe, phe thương hại - phe nhiếc móc. Chung quy chuyện nóng rẫy lên cũng vì cậu ấy quỳ. Chứ còn đứng, chắc không qua được ông bố xin việc lấy tiền nuôi con hồi đầu năm đứng ở Giáp Bát.
Vì mưu sinh, không chỉ có đàn ông phải quỳ. Mới hồi tháng 7, một người phụ nữ quỳ đeo biển “Xin anh Mạnh cho em bán nước kiếm tiền nuôi con”. Anh Mạnh ấy, tranh chỗ bán trà đá vỉa hè với chị kia, o ép xua đuổi khiến chị hoảng sợ. Chị ấy bán nước ở sân khu tập thể 20 năm nay, có xin phép tổ dân phố, chẳng sai phạm gì. Nhưng khi bị tranh chấp, không ai bênh vực, bỗng nhiên “thân cô thế cô”, thấy mình tuyệt vọng. Thế là quỳ, đeo biển xin.
Quỳ hay không quỳ, việc đó không nói lên phẩm giá con người đâu, tôi tin là thế. Nhưng chắc chắn nó nói lên sự tuyệt vọng của con người đến mức nào. Nhất là khi người ta quỳ giữa trời. Quỳ cho thiên hạ thấy. Khi tuyệt vọng, người ta thậm chí có thể chết hoặc làm người khác chết. Vậy quỳ thì vẫn còn là vô hại.
Mười mấy năm trước, bộ phim truyền hình “Sóng ở đáy sông” từng lấy bao nước mắt của khán giả. Phim có chi tiết, thằng cu Núi 18 tuổi chỉ muốn xin 1 việc làm kiếm cơm độ nhật mà không tài nào xin được. Cuối cùng nó đi ăn cắp, bị bắt phải đi tù. Ông trưởng phòng ở nhà máy cá hộp, khi biết tay trợ lý gây khó dễ khiến Núi lâm vào đường cùng, nghiến răng nói rằng: “Anh làm sao mà hiểu được, anh đã giết chết nhân phẩm một con người”.
Trước Núi của nhà văn Lê Lựu, có Jean Valjean của Victor Hugo cũng vì cùng đường mà phải ăn cắp. Hắn ăn cắp của chính vị cha xứ đã cho hắn vào nhà, cho ăn, ngủ, trong khi cả thiên hạ hắt hủi, coi khinh. Vậy nhưng cái đói, cái sợ hãi cho những ngày thiếu ăn tiếp theo, khiến Jean Valjean đêm ấy “thó” vài món đồ quý của cha xứ rồi trốn đi. Bị cảnh sát bắt vì nghi ngờ ăn cắp, nhưng Jean Valjean không ngờ chính cha xứ lại phủ nhận việc mình bị mất cắp, mà còn tặng thêm cho hắn đôi chân nến bạc. Khi ấy, Jean Valjean đã quỳ. Quỳ trước cha xứ, quỳ trước Chúa, quỳ trước lòng nhân ái vị tha của con người.
Khi xã hội chỉ nhìn vào cái đầu gối để đánh giá nhân phẩm con người, thì e rằng “mặt bằng nhân phẩm” khó mà nâng lên được. Định kiến và phán xét thì luôn dễ dàng. Nhân ái và sẻ chia mới là khó khăn, mới cần rèn luyện. Xã hội không thụt lùi vì những người quỳ, và cũng chẳng tiến lên văn minh hơn vì những người chỉ đứng và chỉ tay phán xét.
Suy cho cùng, kẻ phải quỳ vì cùng đường làm gì có tội. Nếu có câu hỏi quẩn quanh chỉ là, sao xã hội để nhiều người phải tuyệt vọng vì những lý do bình thường đến thế?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận