Cùng với hạ tầng giao thông thuận tiện, đây cũng sẽ là xu hướng của thị trường trong năm 2024.
Một năm bão tố
Thị trường bất động sản năm 2023 tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khiến không ít doanh nghiệp bất động sản điêu đứng, doanh thu các quý đầu năm đều tăng trưởng âm, buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2023, có những lúc hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Novaland dường như đóng băng, doanh thu từ hoạt động bán sản phẩm nhà ở không có, dòng tiền từ việc huy động trái phiếu đứng im, doanh nghiệp nguy cơ thua lỗ lớn. Để duy trì hoạt động, NovaLand phải cắt giảm sâu nhân lực, trả mặt bằng nhiều điểm kinh doanh có vị trí ở khu vực trung tâm TP, thu hẹp mô hình hoạt động.
Tương tự, trong năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh phải mạnh tay cắt giảm quy mô nhân sự vì doanh thu giảm sút mạnh. Tính tới ngày 30/9, số lượng nhân viên của công ty là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 nhân sự so với thời điểm đầu năm.
Bên cạnh thị trường khó khăn, năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động do dự án vướng mắc pháp lý và thiếu dòng vốn. Để tháo gỡ các vướng mắc này, Chính phủ có nhiều chỉ đạo, quyết sách kịp thời nhằm vực dậy thị trường.
Cụ thể, trong tháng 3, Nghị định 08 của Chính phủ được ban hành, bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản.
Quy định trên là cơ sở để doanh nghiệp có thể giãn, hoãn nợ, bán chiết khấu tài sản, thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác như bất động sản.
Bên cạnh đó, Nghị định 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cũng được ban hành vào tháng 3. Trong đó, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Chủ lực của chương trình này là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với lãi suất ưu đãi.
Đón đầu xu hướng
Tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà để ở đã thay đổi sau giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản. Mức độ quan tâm hiện nay chỉ dành cho những dự án nhà ở có pháp lý hoàn chỉnh, giá bán phù hợp với thu nhập và giao thông thuận lợi.
Để tồn tại, một số doanh nghiệp bất động sản đã chấp nhận thay đổi, tạo ra những sản phẩm nhà ở hoàn thiện pháp lý, giá bán phù hợp với mức thu nhập của người dân. Chính sự thay đổi này đã góp phần lấy lại lòng tin của người mua nhà, thúc đẩy thị trường bất động sản dần ấm trở lại trong những tháng cuối năm.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, sau thời gian khó khăn của thị trường bất động sản trong năm 2023, bước sang năm 2024, người mua nhà, nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm đến những dự án bất động sản có pháp lý hoàn chỉnh và thanh khoản cao.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phải thực hiện tái cấu trúc lại dòng sản phẩm kinh doanh theo nhu cầu của người mua nhà. Xu hướng phát triển trên cũng phù hợp với mục tiêu, chính sách của Chính phủ trong suốt thời gian qua, nhằm đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững trở lại.
Theo ông Nghĩa, trong năm 2024, dòng vốn đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục đổ vào khu đô thị công nghiệp của Việt Nam ở mức cao.
Vì vậy, dự báo trong năm 2024, hướng bất động sản đô thị công nghiệp cũng sẽ là xu hướng phát triển mới. Thực tế, trong năm 2023 cho thấy chỉ có phân khúc bất động sản này ghi nhận đà tăng trưởng.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia Kinh tế - Bất động sản cho rằng, để thị trường bất động sản hồi phục và phát triển bền vững như kỳ vọng trong năm 2024, Chính phủ, chủ đầu tư và cộng đồng cần đồng lòng thực hiện những hành động cụ thể để khôi phục sức nóng cho thị trường.
Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục loại bỏ các rắc rối pháp lý đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn. Tiếp tục có các giải pháp cụ thể để kích thích dòng tiền trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nơi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc huy động vốn.
Đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư cần xem xét và điều chỉnh cấu trúc sản phẩm nhà ở để phù hợp với nhu cầu thị trường và nhu cầu mua nhà để ở của người dân. Tránh rơi vào tình trạng nợ xấu do thiếu thanh khoản của dự án nhà ở.
Đồng thời, cũng cần hạn chế đầu tư vào các dự án nhà ở cao cấp, biệt thự, đặc biệt là khi thị trường dự kiến phục hồi chậm trong năm 2024. Chỉ khi đó, thị trường bất động sản mới có thể hy vọng sôi động và phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận Tư vấn và Giao dịch, CBRE tại Việt Nam (công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản, trụ sở tại Mỹ) cho biết, trong năm 2024 và các năm tiếp theo thị trường bất động sản TP.HCM và khu vực lân cận sẽ chứng kiến đà tăng trưởng mạnh ở phân khúc thị bất động sản đô thị công nghiệp. Điều này được dự báo dựa trên đà phát triển và tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông thời gian qua như xây dựng đường Vành đai 3, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Theo ông Hiếu, dữ liệu từ nghiên cứu thị trường bất động sản công nghiệp TP.HCM và các vùng lân cận của CBRE đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng từ 4-6% trong 9 tháng đầu năm 2023. Dự báo mức độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận