Con loét giác mạc vì mẹ tự mua thuốc chữa đau mắt đỏ
Bế cậu con trai mới gần 2 tuổi ngằn ngặt khóc vì một bên mắt sưng, đỏ quạch trên tay, chị N.T.V (Hưng Yên) chốc chốc lại đưa chiếc khăn tay chấm lên thấm dịch mắt cho con.
Chị V thở dài chia sẻ: "Đến lớp được vài hôm thì con bị đau mắt đỏ. Ban đầu hỏi ở hiệu thuốc, họ bán cho lọ Tobrex, về tra cho con nhưng mắt ngày một sưng, con khóc quấy nhiều hơn. Em có đưa con đến bệnh viện huyện, điều trị 20 ngày, nhưng không đỡ. Mấy hôm trước, em đưa con lên đây khám, bác sĩ phát hiện loét giác mạc nhẹ, cho thuốc về tra và hẹn khám lại".
Tới ngày tái khám, chị V đưa con lên viện, phần mắt đau vẫn còn sưng, đỏ nhưng bác sĩ khám kết luận tình trạng giác mạc có ổ loét liền lại, duy trì thuốc để hàn gắn nhanh nhất có thể.
Chia sẻ thêm về ca bệnh này, BSCKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "Với bé này, có đủ dấu hiệu viêm giác mạc cấp, trẻ được dùng thuốc trước đó, nên ổ loét được phục hồi, tiến triển tốt. Qua tái khám, giác mạc còn trong, loại trừ các tổn thương, trẻ được chỉ định dùng kháng sinh tra tại chỗ. Nếu chăm sóc tốt, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, trẻ có cơ hội phục hồi tốt".
Tương tự như chị V, chị T.T.Y (Hà Nội) cũng đã tự dùng thuốc tra mắt Tobrex theo tư vấn từ người bán thuốc để tra cho con mới 3 tuổi. Sau 7 ngày, trẻ không đỡ, mà nặng lên. Lúc này vội đưa con đến BV Mắt Trung ương khám nhưng đã xuất hiện biến chứng và được chỉ định bóc giả mạc.
Tại đây, ghi nhận nhiều trẻ em tới khám đau mắt đỏ đã xảy ra biến chứng như ổ loét giác mạc ở các mức độ khác nhau, xuất hiện giả mạc… nếu không can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng thị lực vĩnh viễn.
Cũng theo BS Hương, tỷ lệ bệnh nhân viêm giác mạc nhiều hơn mọi năm, nhiều biến chứng khó lường hơn, gây nặng hơn. Và điểm khác biệt là mọi năm xuất huyết kết mạc là chủ yếu nhưng lành tính, còn viêm giác mạc năm nay ảnh hưởng đến thị lực.
Ở trẻ không nói được rất khó phát hiện, phải khám kỹ. Còn người lớn, viêm giác mạc sẽ cảm thấy đau, cộm, thị lực bị mờ, nếu ai làm việc với máy tính sẽ rất khó chịu, căng sức.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám một tuần, quá nửa là bệnh nhân đau mắt đỏ. Tỷ lệ biến chứng 15-20%.
Bác sĩ lưu ý gì về những biến chứng đau mắt đỏ?
PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang có dịch viêm kết mạc cấp. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc và thường xảy ra ở người có sức khoẻ yếu, người già, trẻ nhỏ.
Khi điều trị bệnh Viêm kết mạc cấp cho trẻ nhỏ, với ca nặng thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng. Theo đó cần tuyệt đối ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt; Cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ, tránh để trẻ khóc làm trôi thuốc; Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và tái khám.
Thông thường, viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng.
BS Cung giải thích thêm với viêm kết mạc cấp khi phản ứng viêm mạnh thì mi sẽ sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc). Giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được. Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc thì cần phải bóc đi, sau khi bóc giả mạc có thể tái phát lại nên cần phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn.
Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus (virus gây bệnh đau mắt đỏ) đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm.
"Viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.
Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn và khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trẻ em lại không hợp tác nên rất khó điều trị, khó tra nhỏ thuốc vào mắt và thậm chí khi nhỏ thuốc vào mắt rồi thì trẻ lại khóc làm cho nước mắt rửa trôi hết thuốc", ông Cung lưu ý.
Ngoài ra, BS Hương cũng chỉ ra một số sai lầm thường gặp khi cha mẹ chăm sóc trẻ đau mắt đó, như khi tra thuốc từ bác sĩ kê, 5 ngày thấy đỡ không đỏ nữa thì bỏ thuốc. 2 ngày sau đến tình trạng mắt mờ hơn, vì lòng trắng đỡ, nhưng lòng đen bị virus tấn công gây ra mờ, khi đó điều trị khó hơn và phải điều trị dài hơi. Việc bỏ thuốc giữa chừng làm virus bùng trở lại làm cho người bệnh trở nặng hơn.
Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ không đúng cách, ví như ngay việc nhiều bà mẹ dùng chiếc khăn tay để thấm dịch tiết từ mắt đau rất mất vệ sinh, là nguy cơ gây thêm bội nhiễm…
Hoặc tự ý mua thuốc tra cho trẻ thuốc. Và thường gặp nhất là cha mẹ ra hiệu thuốc và được kê tra Tobrex, rất nguy hiểm. Bởi với trẻ con thuốc này rất nặng, không làm bệnh giảm mà trầm trọng hơn. Vì thế em bé nào có vấn đề nên đi khám để được tư vấn, chỉ định điều trị phù hợp, tránh biến chứng đáng tiếc".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận