Xã hội

Đầu tàu kinh tế và những lần “xé rào”

01/05/2017, 09:09

PGS. TS. Phan Xuân Biên chia sẻ về bước đường thăng trầm của thành phố mang tên Bác dưới góc nhìn lịch sử.

12.1

PGS. TS. Phan Xuân Biên

“Xé rào” để thành phố có những bước phát triển đột phá

Nếu như năm 1945, Sài Gòn - Gia Định đã thay mặt nhân dân cả nước nổ phát súng đầu tiên vào quân Pháp tái xâm lược nước ta, thì đây cũng là trận quyết chiến cuối cùng để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 30/4/1975. Sài Gòn - Gia Định hoàn thành sứ mệnh mở đầu oanh liệt, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 30 năm giành lại độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn. 10 năm đầu sau giải phóng, trong thời kỳ đầy sóng gió, phức tạp do hậu quả chiến tranh, cấm vận, thiên tai và cả những sai lầm trong tư duy và quản lý… TP.HCM đã vượt qua mọi khó khăn, biết “xé rào” tìm cách làm ăn mới, tìm đường phát triển phù hợp, đã góp phần hình thành đường lối đổi mới.

Năm 1982, Bộ Chính trị có Nghị quyết 01/NQ-TW về nhiệm vụ xây dựng phát triển TP.HCM, rồi Nghị quyết 20/NQ-TW (năm 2002), Nghị quyết 16/NQ-TW (năm 2012) thì vị trí của TP.HCM với cả nước được xác định rất rõ ràng. Bây giờ, thành phố là một đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước…

PGS. TS. Phan Xuân Biên sinh năm 1949 tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Trước giải phóng, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là trung tâm của cả miền Nam. Ở đây có cơ sở công nghiệp khá phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự phân công nhất định trong cả vùng, miền. Vài năm đầu sau giải phóng, khi dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút. Trong khi đó, những thay đổi về cơ cấu kinh tế theo kiểu kế hoạch bao cấp, tỉnh nào lo tỉnh đó, nên sản xuất công nghiệp của TP.HCM không làm hết khả năng, còn gạo của các tỉnh không về được thành phố. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn cơm độn bo bo, khoai, sắn, có khi lên 90%, dù họ sống không xa vựa lúa lớn nhất nước.

Trong bối cảnh đó, Thành ủy TP HCM, đứng đầu là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… vốn xuất thân từ dân, thề suốt đời lo cho dân, ngày đêm trăn trở, day dứt. Với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, đã tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe nguyện vọng, thắc mắc của dân rồi cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “phá rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”. TP.HCM đã “vượt lên chính mình”, “xé rào”, “làm lén”, nỗ lực phấn đấu, “bước ra khỏi vòng phấn do ta khoanh, thoát ra khỏi cảnh làm tù binh của chúng ta” như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh nói. Nhờ đó, tạo nên những mốc son, làm nên những sự kiện mang tính lịch sử của thành phố trong lĩnh vực phát triển KT-XH.

Những việc làm cụ thể như: Xóa bao cấp, thực hiện 3 lợi ích, khoán lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, vấn đề cải tạo công, thương nghiệp, hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công nghiệp… Những cái tên như: Công ty Lương thực thành phố, Gạch bông Đức Tân, Dệt Thành Công, Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng, Cao su Phạm Hiệp, Công ty Bột giặt miền Nam, Nhà máy Bia Sài Gòn, Xí nghiệp Cơ khí Casic, Sinco… là những điển hình, những sự kiện đầy năng động, sáng tạo của một thời kỳ lịch sử đầy cam go.

122

Cảng Sài Gòn giúp TP.HCM giao thương với bên ngoài - Ảnh: SNC

Dấu mốc chuyển hướng phát triển quan trọng của thành phố

“Hội nghị Đà Lạt” diễn ra trung tuần tháng 7/1983 là một mốc son lịch sử của quá trình đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách phát triển của TP.HCM trong 10 năm đầu sau giải phóng. Với quan điểm “thực tiễn là ông thày kiểm nghiệm chính xác, người phán xét cuối cùng” và tất cả là vì lợi ích của người lao động, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã tổ chức để giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có cách làm ăn mới theo cơ chế của thành phố, trực tiếp báo cáo với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của T.Ư đang đi nghỉ ở Đà Lạt (đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…). TP.HCM cũng mời các đồng chí về thành phố tham quan, khảo sát thực tế…

Sự kiện đó không chỉ “minh oan” cho cách làm theo kiểu “phá rào”, “làm lén” của thành phố để cố vượt ra khỏi cơ chế cũ, bảo thủ, vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước trước năm 1985, mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới.

TP.HCM sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc

Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã xác định mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có chất lượng sống tốt. Đồng thời, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển, các giải pháp, chương trình đột phá. PGS., TS. Phan Xuân Biên tin tưởng, với việc xác định đúng đắn mục tiêu phát triển như vậy, với thế và lực, kinh nghiệm 42 năm qua, TP.HCM sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc.

Kinh nghiệm của thành phố xưa nay là luôn phải bám sát thực tiễn, phải dựa vào sức mạnh của dân, phát huy tính năng động, sáng tạo của con người thành phố, của mọi tầng lớp xã hội. Cần lựa chọn để có những đột phá thích hợp, tạo ra thế và lực mới cho thành phố không ngừng phát triển. Phải thẩm thấu lời dạy của Bác Hồ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”.

PGS. TS Phan Xuân Biên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.