Lãi suất cao nhất 7,6%
Lãi suất cao nhất hệ thống hiện vẫn được Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) huy động 7,6%/năm ở kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Đây là mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống hiện nay.
SCB huy động cao nhất là 7,6%
Các kỳ hạn khác của ngân hàng này cao nhất cũng lên tới 7%/năm áp dụng tiền gửi 12, 15, 18, 24 và 36 tháng.
Các kỳ hạn ngắn 3, 6 và 9 tháng có lãi suất 4%, 5,9% và 6,4% một năm.
Các ngân hàng TMCP quốc doanh BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank vẫn duy trì lãi suất huy động ổn định, cao nhất 5,5-5,6%/năm.
Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng của nhóm này duy trì 3,78%/năm trong tháng thứ 10 liên tiếp, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng không thay đổi với 4,95%/năm.
Sau SCB, NamABank cũng huy động với lãi suất cao là 7,4%/năm.
Tiếp đó là một số ngân hàng huy động ở 7%-7,1%/năm như ACB, MSB, VietCapitalBank hay Techcomban kèm theo một số điều kiện.
Như tại Techcombank, để hưởng lãi suất 7,1%/năm, khách hàng phải gửi số tiền từ 999 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Lãi suất tăng mạnh
Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thêm nhiều ngân hàng gia nhập cuộc đua tăng lãi suất. Lãi suất tăng mạnh chủ yếu ở các kỳ gửi ngắn hạn, đẩy mặt bằng các kỳ hạn này lên mặt bằng mới. Riêng lãi suất 3 tháng cũng đã lên 4%/năm.
ABBank không phải là ngân hàng huy động lãi suất cao nhất nhưng gần đây lại là ngân hàng có mức tăng lãi suất mạnh nhất.
Ngân hàng này tăng lãi thêm 0,4-0,5%/năm ở các kỳ 6, 9 và 12 tháng lên 5%/năm.
Nếu giửi tiết kiệm online, riêng kỳ 9 tháng được tăng thêm tới 0,7%.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng nhích lên. Nguồn: BVSC
Sau ABBank, SHB cũng tăng thêm 0,4%/năm lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng lên 6%/năm khi khách hàng gửi tại quầy. Tăng mạnh nhưng SHB cũng không nằm trong top các ngân hàng có lãi suất huy động cao trong hệ thống.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm phần trăm, lên 5,66%.
Diễn biến này đã khiến cho lãi suất huy động tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm.
Tăng trưởng tín dụng (tới ngày 31/3/2022) đạt 5,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Theo BVSC, tín dụng tăng mạnh đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn và phải liên tục sử dụng tới kênh thị trường mở (OMO) để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần kênh này 1 năm đóng băng.
BVSC đánh giá, với những áp lực từ lạm phát cũng như nhu cầu tín dụng tăng cao trong quá trình phục hồi nền kinh tế, lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, “mức tăng của lãi suất sẽ chưa quá lớn trong năm nay để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục”, chuyên giả BVSC nhận định.
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
VnDirect nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản trong năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/ năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận