Theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn tuyến cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) sẽ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (Trong ảnh: QL1 đoạn qua Bình Thuận mật độ xe đi lại rất cao, chụp ngày 28/10 ) - Ảnh: Vĩnh Phú |
Để đảm bảo công khai, minh bạch theo Kết luận số 19 ngày 5/10/2017 của Bộ Chính trị, đồng thời chặn các nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh đối với những dự án thực hiện theo hình thức PPP.
Sàng lọc kỹ lưỡng năng lực nhà đầu tư
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, tất cả các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT sẽ được Bộ GTVT tiến hành đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư. Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng và hoàn thiện quy trình đấu thầu. “Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT”, ông Huy nói và cho biết, đây là cơ chế hoàn toàn mới so với quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án BOT thời gian qua.
“Trước đây, các quy định của pháp luật cho phép dự án BOT được tiến hành đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phải thực hiện bài bản và chặt chẽ hơn. Các dự án sau khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở tính toán phương án tài chính rồi mới tiến hành đấu thầu. Nhà đầu tư có thể thay đổi, điều chỉnh giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, áp dụng công nghệ mới và được hưởng hoặc chịu chi phí chênh lệch”, ông Huy chia sẻ.
Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ ưu tiên đầu tư trước 11 dự án thành phần dài 654km (tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng) của một số đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam gồm: 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Còn lại 3 dự án thành phần: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2 được đầu tư theo hình thức đầu tư công. |
Cũng theo ông Huy, sau khi các dự án được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển để loại bỏ nhà đầu tư yếu kém. Sau đó, mới tổ chức đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng năng lực thực hiện dự án. “Các dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam là những dự án quan trọng, có vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nên các nhà đầu tư được lựa chọn trong hồ sơ mời thầu phải đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong đầu tư và kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông”, ông Huy nói và cho biết, Nghị định 15/2015 quy định, vốn chủ sở hữu chủ doanh nghiệp từ 10 - 15%, tuy nhiên, đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ áp dụng quy định về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên mức cao nhất là 15%.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN hoàn toàn ủng hộ chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. “Tôi hoan nghênh Bộ GTVT khi đưa ra chủ trương tiến hành đấu thầu công khai tất cả các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, việc đấu thầu cần phải làm bài bản, chặt chẽ để loại bỏ những nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia đấu thầu. Khi làm được như vậy, tôi tin sẽ có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, kể cả nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thanh nói.
“Vừa rồi, có người phản ánh với tôi rằng họ e ngại thời gian qua, không ít người kỳ thị với BOT, sợ nhà đầu tư sẽ nản và không tham gia nữa, tôi nói luôn là hoàn toàn không phải. Chỉ có những ông làm ăn chộp giật mới nản, còn những nhà đầu tư chân chính, có tiềm lực kinh tế, tiềm lực thi công, tâm huyết với nghề giao thông, họ sẽ vẫn quan tâm đầu tư và sẵn sàng làm chứ không e ngại gì cả”, ông Thanh chia sẻ.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn |
Đấu thầu vốn “mồi” chọn nhà đầu tư
Ông Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP có vốn góp của Nhà nước, có hai phương pháp để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu theo giá dịch vụ và đấu thầu theo vốn góp của Nhà nước. “Tuy nhiên, giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo pháp luật về giá do Nhà nước quản lý nên không thể đưa ra đấu thầu, do đó chỉ đấu thầu dựa trên tiêu chí vốn góp Nhà nước”, ông Huy nói và cho biết, khi đấu thầu theo tiêu chí vốn góp Nhà nước, theo quy định của pháp luật đấu thầu (Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015), các thông số gồm: Thời gian hoàn vốn, giá dịch vụ và các yếu tố có liên quan phải được xác định rõ trong hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên, Luật Giá hiện nay chưa quy định việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho cả vòng đời khai thác của dự án PPP (khoảng 24 năm) nên giá dịch vụ chưa thể xác định rõ trong hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư theo hình thức BOT thời gian vừa qua chỉ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, chưa đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả như báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra. Đồng thời, báo cáo giám sát cũng yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Huy nói.
Về giải pháp, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội chấp thuận khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu. Sau khi khung giá dịch vụ được Quốc hội chấp thuận, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước vào các dự án sẽ được lựa chọn làm tiêu chí để đấu thầu. Khi đó, nhà đầu tư nào đáp ứng được năng lực tài chính, kỹ thuật và bỏ thầu với giá trị vốn Nhà nước hỗ trợ thấp nhất sẽ được xem xét, lựa chọn làm nhà đầu tư của dự án. Thời gian hoàn thành đấu thầu một dự án theo quy định hiện nay mất khoảng 300 ngày.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế khẳng định, việc đầu tư xây dựng để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang trở nên cấp bách. “Chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để làm sớm dự án này, bởi nó đã cấp thiết lắm rồi. Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương đấu thầu cạnh tranh, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc triển khai bằng hình thức PPP nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Nhà nước cần phải ưu tiên phần vốn mồi hỗ trợ GPMB, công tác xây lắp cho các dự án, đặc biệt, các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong bàn giao GPMB”, ông Lịch nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận