Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trở thành "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng kéo dài trong nhiều năm qua
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đà Nẵng vừa công bố kết quả đấu thầu gói thầu "Thuê dịch vụ dọn vệ sinh môi trường Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang" với kết quả trúng thầu thuộc về Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (MTĐT) Hà Nội, 2 đơn vị dự thầu khác bị loại.
Đáng chú ý, theo kết quả đánh giá hồ sơ các đơn vị dự thầu gói thầu này, Công ty TNHH MTV MTĐT Hà Nội có giá dự thầu cao nhất (2.670.988 đồng) và cao hơn đơn vị bỏ giá thấp nhất hơn 370 triệu đồng, được chấp "đạt" bởi đáp ứng cả tiêu chí, gồm: tư cách hợp lệ, năng lực kinh nghiệm và kỹ thuật. Các đơn vị bị loại chỉ đạt tiêu chí tư cách hợp lệ, không đạt tiêu chí năng lực kinh nghiệm và "không đánh giá" tiêu chí kỹ thuật.
Phản ánh đến Báo Giao thông, Công ty CP MTĐT Đà Nẵng (1 trong 2 nhà thầu bị chấm không đạt hồ sơ) cho biết, vừa có đơn kiến nghị Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng làm rõ một số nội dung chưa rõ ràng, không thỏa đáng trong quá trình đánh giá và quy trình lập báo cáo đánh giá hồ sơ mời thầu.
Theo đại diện công ty MTĐT Đà Nẵng, kết quả đánh giá của Tổ chuyên gia (Sở NN&PTTN Đà Nẵng) tại báo cáo 01 (ngày 15/5/2021) đánh giá không đạt về tiêu chí huy động nhân sự chủ chốt (trùng với dự án/gói thầu khác), dẫn đến hồ sơ dự thầu không đạt về năng lực, kinh nghiệm và không đánh giá phần kỹ thuật là không thỏa đáng; có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu.
Bởi, đối chiếu với thông tin hướng dẫn của Bộ Kế hoạch-Đầu tư liên quan đến việc kê khai nhân sự chủ chốt giống nhau trong 2 gói thầu, thì đối với các gói thầu có tính chất tương tự (vệ sinh môi trường đô thị), việc công ty kê khai những nhân sự tốt nhất cho các gói thầu để đảm bảo chất lượng công việc là hoàn toàn phù hợp, đồng nghĩa với năng lực công ty có khả năng huy động nhân sự, thời gian huy động không trùng lặp, không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng gói thầu.
"Đáng nói, trong quá trình đánh hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư có yêu cầu công ty làm rõ hồ sơ mời thầu, tuy nhiên, chủ đầu tư lại không đề cập đến vấn đề nhân sự chủ chốt", đại diện Công ty CP MTĐT Đà Nẵng băn khoăn.
Trong thời gian chờ ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu, lực lượng công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội-chi nhánh miền Trung vẫn thu dọn rác tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang
Theo đại diện Công ty CP MTĐT Đà Nẵng, một vấn đề khác nữa, trong quá trình chấm thầu, tại thời điểm hồ sơ Liên danh Công ty TNHH xây dựng Nghĩa Hà và Công ty TNHH Môi trường An Nguyên bị loại (đơn vị xếp hạng nhất), đồng nghĩa với việc hồ sơ dự thầu của Công ty CP MTĐT Đà Nẵng (đơn vị xếp hạng thứ 2) phải được đôn lên hạng 1 để chấm thầu.
Đồng nghĩa, chủ đầu tư phải tiếp tục đánh giá toàn bộ hồ sơ của Công ty CP MTĐT Đà Nẵng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã bỏ qua bước này, chấm "không đạt" phần năng lực, kinh nghiệm, không đánh giá phần kỹ thuật và đánh loại hồ sơ dự thầu của Công ty.
Điều đó cho thấy, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình đánh giá, gây bất lợi cho nhà thầu, hoặc tạo điều kiện cạnh tranh cho nhà thầu khác, trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu, làm ảnh hưởng, sai lệch kết quả đấu thầu.
Để làm rõ những vấn đề, nội dung trên, trong ngày 26-28/5, PV đã nhiều lần liên hệ, gọi điện, nhắn tin và gửi nội dung trao đổi qua email với Giám đốc, Văn phòng Sở NN&PTNT nhưng đến nay PV vẫn chưa nhận được thông tin trả lời, phản hồi.
Trước đó, Báo Giao thông có thông tin phản ánh, sau khi Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng phát hồ sơ mời thầu gói thầu "Thuê dịch vụ vệ sinh môi trường Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang", nhà thầu phản ánh chủ đầu tư đưa ra nhiều điều kiện dự thầu bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, chỗ ra điều kiện quá cao, cái thì áp tiêu chí quá thấp... nhằm tạo lợi thế cho 1 hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN, cho biết: Theo quy định tại Khoản 12, Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 (được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 1 Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020) quy định việc lựa chọn nhà thầu phải thực hiện trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Như vậy, pháp luật về đấu thầu không cho phép đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu. Khi đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần đảm bảo những nhà thầu đủ điều kiện có thể tham gia, cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; tránh việc đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận