Chất lượng sống

Đấu thầu giá thuốc tập trung:Bộ nói hiệu quả, bệnh viện than phiền hà

12/12/2017, 09:00

Theo Bộ Y tế, gói thầu tập trung quốc gia đầu tiên đã giúp ngân sách tiết kiệm 477 tỷ đồng...

17

Bán thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: Thanh Đạm

Theo Bộ Y tế, gói thầu tập trung quốc gia đầu tiên đã giúp ngân sách tiết kiệm 477 tỷ đồng, giúp giá thuốc điều trị bệnh nhân ung thư giảm 17-33%. Tuy nhiên, do thủ tục phát sinh rườm rà ảnh hưởng đến tính chủ động của các bệnh viện.

Đấu thầu tập trung tiết kiệm 477 tỷ đồng

Tại Hội nghị triển khai kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/12, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết: Năm 2017 đã có 5 gói thầu được đấu thầu thành công. Trong đó, gói thầu đầu tiên gồm 5 hoạt chất với 22 mặt hàng thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic - là thuốc tương đương với biệt dược gốc), cung cấp trong hai năm 2018 - 2019, đều là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng.

“Lần đầu tiên đấu thầu đã giúp tiết kiệm 477 tỷ đồng. Cụ thể, tổng giá kế hoạch 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm khoảng 17%. Riêng thuốc biệt dược tiết kiệm được 114,3 tỷ đồng, giảm 7% so với giá kế hoạch gói thầu. Thuốc generic tiết kiệm hơn 362 tỷ, giảm 33% so với giá kế hoạch”.

"Thuốc hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh của BHYT. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT năm 2015 là hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48%. Năm 2016, con số này hơn 31.500 tỷ đồng, chiếm 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về KT-XH”.

Ông Phạm Lương Sơn
Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, các trung tâm đấu thầu tập trung địa phương, hay các cơ sở y tế tổ chức đấu thầu áp dụng lựa chọn giá thầu, nhà thầu các mặt hàng thuốc đã được Trung tâm Đấu thầu tập trung quốc gia lựa chọn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, dựa vào tính toán, nhiều thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư giảm trung bình 17-33% nhờ triển khai đấu thầu thuốc quốc gia. Trong lần đấu thầu tập trung đầu tiên này, Bộ Y tế đã cân nhắc rất kỹ, lựa chọn 5 hoạt chất. Đến nay, công tác đấu thầu hoàn tất thỏa thuận khung, đã ký kết với các đơn vị trúng thầu. Nhiệm vụ tiếp theo là theo dõi chất lượng thuốc, số lượng thuốc, kịp thời có điều chỉnh phù hợp, không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Đánh giá cao kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, công tác đấu thầu thuốc vẫn còn khá nhiều vướng mắc, lo lắng. Một trong những hạn chế bất cập là đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến giá trúng thầu còn khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc.

Còn nhiều băn khoăn ở cơ sở y tế

Hà Nội là địa phương đã tổ chức đầu thầu tập trung cấp địa phương vào năm 2016, đại diện của Hà Nội cũng cho rằng, mặc dù số lượng mặt hàng trúng thầu cao, giá trúng thầu hợp lý, nhưng cũng gặp một số khó khăn. Do Bộ Y tế không có quy định tỉnh, thành phố được thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung nên phải giao cho một bệnh viện thực hiện. Như vậy, gây quá tải cho bệnh viện vì vừa phải tổ chức đấu thầu tập trung, vừa đấu thầu cho viện. Một số bệnh viện T.Ư tham gia đấu thầu tập trung nhưng khi thực hiện hợp đồng lại lấy ít hơn dự trù, gây khó khăn cho nhà thầu. Bên cạnh đó, danh mục đấu thầu tập trung có một số hoạt chất một số đơn vị nhỏ dùng với số lượng rất ít, do vậy nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng.

Đồng quan điểm, ông Vũ Đình Tiến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện K T.Ư cho hay, trên thực tế, bệnh viện gặp khó khăn khi phối hợp liều cho bệnh nhân do danh mục đấu thầu Trung tâm Quốc gia đối với thuốc điều trị ung thư chỉ có một hàm lượng. Hay việc thuốc trong kế hoạch đấu thầu tập trung sử dụng hết, không điều chuyển thuốc được giữa các bệnh viện…

Hiện, các đơn vị mua thuốc phải theo 4 danh mục: Danh mục đấu thầu tập trung quốc gia của Bộ Y tế, danh mục đấu thầu tập trung của BHXH, danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương, danh mục đấu thầu tại đơn vị. Mỗi danh mục lại ký với nhiều nhà thầu, với thời gian thực hiện khác nhau, nên cũng gây nhiều khó khăn cho các đơn vị trong việc chủ động nguồn thuốc và thanh toán kinh phí. Chưa kể đến phát sinh thuốc ngoài đấu thầu vì các lý do như mô hình bệnh tật thay đổi, thuốc cấp cứu…

Trả lời cho các vấn đề phát sinh như các đơn vị phản ánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho rằng, lúc này cần phát huy chức năng điều tiết ở cả cấp địa phương và T.Ư. Trường hợp nhà thầu hết hàng không thể cung ứng, đơn vị được mua trong phạm vi không vượt quá 20%; nếu quá phải báo cáo điều tiết trong địa bàn hoặc cấp cao hơn. “Ưu tiên quyền điều tiết, rồi mới mua sắm theo hình thức khác”, bà Ngọc Bảo cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.