Quản lý

Đấu thầu nạo vét luồng hàng hải

12/12/2016, 09:04

Hai năm qua, việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải đã được các đơn vị trong ngành Hàng hải thực hiện triệt để...

6

Phao báo hiệu hàng hải trên luồng Vũng Tàu - Thị Vải

Hai năm qua, việc nạo vét và duy tu luồng hàng hải đã được các đơn vị trong ngành Hàng hải thực hiện triệt để, nghiêm túc hơn và đem lại hiệu quả cao. Độ sâu các tuyến luồng ổn định, tàu lớn ra vào thuận lợi.

Nhiều hệ lụy trong cách làm cũ

Tuyến luồng hàng hải Hải Phòng có điều kiện tự nhiên, thủy văn phức tạp, lượng sa bồi lớn. Theo cách làm cũ từ năm 2014 trở về trước, tuyến luồng này được nạo vét mỗi năm một lần khi đến độ sâu thiết kế là xong. Tuy nhiên, do lượng sa bồi lớn nên độ sâu thiết kế chỉ duy trì được từ 2-3 tháng, sau đó lại bị sa bồi nên độ sâu giảm dần khoảng 0,1-0,2m.

Tương tự, luồng hàng hải Định An - Cần Thơ cũng có các điều kiện thời tiết phức tạp. Theo ông Phạm Quốc Súy, Tổng giám đốc TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, liên tục các năm 2012 và 2013, tuyến luồng này không hoàn thành kế hoạch đặt ra, có lúc phải dừng thi công.

Thực tế cho thấy theo cách làm cũ, công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải thường mang tính định kỳ, lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố thời tiết, địa hình nên chỉ có thể thi công hiệu quả trong thời gian nhất định. Hơn nữa, do là công trình công ích sử dụng nguồn vốn ngân sách nên công tác nạo vét, duy tu chịu sự điều chỉnh của các quy định về cung ứng dịch vụ công ích... nên thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, thời điểm thi công không thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, chính những yếu tố này khiến nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí có những dự án không thể triển khai, hiệu quả đầu tư thấp. Phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị chưa rõ, có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu các quy định kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến tiêu cực và thất thoát nguồn vốn Nhà nước. Thậm chí, có trường hợp đã bị điều tra, khởi tố.

Đấu thầu cho hiệu quả cao

Để khắc phục những bất cập này, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định 73/2013 cho phép thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý. Từ đó, có nhiều thông tư về trình tự, thủ tục nạo vét, duy tu luồng hàng hải chung và cơ chế cho từng luồng cụ thể để đẩy nhanh hiệu quả từng tuyến luồng.

Ông Phạm Quốc Súy cho biết thêm, từ khi có các thông tư, nghị định gỡ vướng về cơ chế, hiệu quả nạo vét và duy tu luồng hàng hải đã tăng gấp nhiều lần. Riêng năm 2014, tổng công ty đã hoàn thành nạo vét toàn bộ 7 tuyến luồng hàng hải là: Định An - Cần Thơ, Soài Rạp - Hiệp Phước, Sông Dinh, Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, An Thới, Quy Nhơn. Năm 2015, doanh nghiệp này hoàn thành 6 tuyến gồm: Định An - Cần Thơ, Soài Rạp - Hiệp Phước, Sông Dinh, Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, Quy Nhơn đúng thiết kế và đáp ứng kế hoạch được giao với tổng khối lượng nạo vét khoảng hơn 5,2 triệu m3. Tổng kinh phí thực hiện gần 740 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ, đối với công tác duy tu, nạo vét các tuyến luồng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế chấm dứt thí điểm và cho phép áp dụng chính thức trình tự, thủ tục duy tu nạo vét theo Quyết định 73/2013.

“Thực tế công việc thuận lợi như vậy do trình tự, thủ tục đã được quy định rút gọn hơn trước. Các tiêu chí về nhà thầu, phương tiện nạo vét cũng như sự giám sát bằng công nghệ đã rõ ràng nên việc lựa chọn nhà thầu được đẩy nhanh hơn. Đơn cử như luồng Định An - Cần Thơ, nhờ áp dụng chỉ định thầu rút gọn nên việc lựa chọn nhà thầu đã được đẩy nhanh hơn hai tháng so với trước đây, tận dụng được điều kiện thời tiết thuận lợi để nạo vét”, ông Súy cho biết.

Đối với tuyến luồng Hải Phòng, sau khi áp dụng cơ chế đấu thầu trọn gói, độ sâu luồng đã được duy trì ổn định. Thay vì mỗi năm chỉ nạo vét định kỳ một lần, nay nhà thầu liên tục rà soát, nạo vét đảm bảo đúng độ sâu thiết kế. Riêng trong năm 2015 nhờ độ sâu luồng ổn định nên đã có khoảng 75 triệu tấn hàng, với 19.700 lượt tàu thông qua các cảng biển khu vực Hải Phòng, tăng 14% so với năm 2014.

Đến nay, tuyến luồng Hải Phòng luôn được duy trì độ sâu đúng thiết kế. Cụ thể, đoạn luồng sông Cấm đạt -5,5m, đoạn Bạch Đằng đạt -7m, đoạn kênh Hà Nam đạt -7m và đoạn Lạch Huyện đạt -7,2m.

Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, độ sâu luồng ổn định đã bảo đảm an toàn hàng hải, thuận lợi cho phương tiện hành hải 24/24h, phát huy được năng lực khai thác các cảng biển Hải Phòng. Các doanh nghiệp, chủ tàu, chủ hàng chủ động được kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, những tàu tải trọng lớn giảm thiểu được thời gian chờ đợi thủy triều để ra, vào cảng biển. Theo thống kê năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tai nạn hàng hải ở Hải Phòng đã giảm 10% so với trước đó.

“Các doanh nghiệp mong muốn duy trì được độ sâu luồng ổn định đúng thiết kế để có kế hoạch lâu dài tiếp nhận tàu và làm hàng ổn định, giảm giá thành vận tải và tăng lượng hàng đến cảng. Ví dụ, tàu vào cảng Tân Vũ, mỗi tàu ứng với 1m nước trung bình khoảng 3.500 tấn, quy đổi ra container khoảng trên 300TEU”, Chủ tịch Tùng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.