Quản lý

Đấu thầu qua mạng: Tăng cạnh tranh, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

17/10/2018, 07:28

Đấu thầu qua mạng vừa tăng tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và tiết kiệm kinh phí đáng kể so với đấu thầu...

4

Bảo dưỡng, sửa chữa đường trên quốc lộ 1A cũ, đoạn qua Ninh Bình - Ảnh: Tạ Tôn

Gần 50% dự án đấu thầu qua mạng

Ngày 9/10, trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, các công nhân thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đang miệt mài đo, đếm các vị trí hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường, kiểm tra lại hệ thống ATGT, điện chiếu sáng. Đây là công việc thường xuyên của đơn vị khai thác, bảo trì, bên cạnh công tác chốt trực đảm bảo giao thông tại các nút vào cao tốc, tuần đường liên tục, trực hotline 24/24h phát hiện kịp thời những hư hỏng, mất ATGT trên tuyến, phối hợp với công an và TTGT phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo ATGT cho phương tiện lưu thông; trực ứng cứu đảm bảo giao thông tại văn phòng điều hành, trực cứu hộ, cứu nạn và xử lý hiện trường giao thông…

"Đấu thầu qua mạng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, do đây là hình thức đấu thầu mới, nhiều doanh nghiệp do tiết kiệm nhân sự, không có người theo dõi mạng, biết được thông tin đấu thầu. Do đó, cần có sự thông báo sớm các kế hoạch, các dự án sẽ chào thầu để các doanh nghiệp nắm bắt, tham gia tích cực và hiệu quả hơn vào đấu thầu qua mạng”.

Ông Lê Hồng Điệp
Vụ trưởng Vụ Bảo trì
(Tổng cục Đường bộ VN)

Gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thuộc gói thầu có quy mô lớn (hơn 20 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây là gói thầu bảo trì, không có các dữ liệu lớn về thông số, bản vẽ… vượt quá khả năng kỹ thuật của hệ thống đấu thầu quốc gia nên Tổng cục Đường bộ VN vẫn chỉ đạo đấu thầu qua mạng để tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Đây là một trong số 276 dự án được Tổng cục tổ chức đấu thầu qua mạng thành công từ đầu năm đến nay.

Theo Tổng cục Đường bộ VN, năm 2018, có 641 dự án sửa chữa đường bộ đủ điều kiện đấu thầu (đã có kế hoạch chi), đến ngày 15/9/2018, có 606 dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công. Trong số 606 dự án đã đấu thầu thành công đó, có 276 dự án thực hiện qua mạng (chiếm 43% tổng số dự án đã đấu thầu và chiếm trên 50% số gói thầu quy mô nhỏ theo kế hoạch năm 2018).

“Hiện còn 35 dự án đủ điều kiện chi (đấu thầu) nhưng chưa hoàn thành công tác chọn thầu do bị trùng dự án xây dựng cơ bản. Cá biệt có dự án đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia vì giá trị dự án nhỏ quá, cần đấu thầu lại, sẽ hoàn thành trong giai đoạn cuối năm”, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết.

Giảm tối đa chi phí dự án

Theo số liệu từ Tổng cục Đường bộ VN, trong số 276 dự án đấu thầu qua mạng, hiện 259 dự án đã có kết quả đấu thầu (bằng 93,84%), tiết kiệm 55,38 tỷ đồng (bằng 5,5% so với tổng giá các gói thầu đấu thầu qua mạng). Còn số dự án đấu thầu thông thường là 302 dự án (bằng 57%), hiện đã có kết quả đấu thầu của 280 dự án (bằng 93%), tiết kiệm 57,04 tỷ đồng (bằng 2,3% so với tổng giá các gói thầu đấu thầu thông thường).

“Số liệu trên cho thấy, đấu thầu qua mạng và đấu thầu truyền thống tiến độ không khác nhau đáng kể. Do đó, về tỷ lệ kinh phí tiết kiệm thì đấu thầu qua mạng tiết kiệm hơn”, ông Lê Hồng Điệp nhìn nhận.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3, đơn vị thực hiện chào thầu nhiều dự án đấu thầu qua mạng cho biết, đấu thầu qua mạng tiết kiệm hơn đấu thầu truyền thống vì chỉ cần ngồi một chỗ, nhấp chuột là có thể mua được hồ sơ trên mạng, tham gia đấu thầu. Trong khi đó, để đấu thầu truyền thống, doanh nghiệp phải đi lại, mua hồ sơ, nộp hồ sơ, dự lễ mở thầu, sao chụp, đóng quyển hồ sơ, cước phí vận chuyển, tốn kém từ 5-10 triệu đồng mỗi bộ hồ sơ dự thầu. Hơn nữa, đấu thầu qua mạng xóa tan khoảng cách địa lý, doanh nghiệp có thể tận dụng quỹ thời gian làm hồ sơ dự thầu để trình sát thời hạn chót, trong khi đấu thầu truyền thống thường phải nộp thầu trước 2 ngày.

“Đấu thầu qua mạng có tính chất cạnh tranh cao hơn; người ở xa, ở gần đều tham gia được. Còn đấu thầu truyền thống, thường nếu đấu thầu ở phía Nam thì nhà thầu phía Bắc không muốn vào và ngược lại, vì nhà thầu ngại khả năng trúng thầu chưa rõ thế nào mà đi lại, chi phí mất thời gian, tốn kém”, ông Trường thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Điệp, có tình trạng khi đấu thầu qua mạng, có một số gói thầu nhỏ không có nhà thầu tham dự do nhà thầu nghĩ giá trị gói thầu nhỏ, đã có nhiều đơn vị tham gia nên không muốn cạnh tranh. Phía chủ đầu tư lại không lường trước được tình huống này do chỉ đến khi đóng thầu trên mạng mới biết có bao nhiêu nhà thầu tham gia. Do đó, ông Điệp kiến nghị các công việc và thủ tục cần được giao kế hoạch trước sớm, gồm danh mục công trình được sửa chữa, nguồn vốn từ Bộ Tài chính bao nhiêu, để nhà thầu tiếp cận sớm thông tin và những gói thầu nhỏ có “thối thầu” (không có đơn vị tham gia) còn có thời gian để đấu thầu lại, giúp việc giải ngân không bị ảnh hưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.