Sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng ven đô để có chốn thư giãn vào những kỳ nghỉ lễ hay cuối tuần, đồng thời cũng là “của để dành”, có thể sinh lời… là giấc mơ của nhiều gia đình thành phố.
Thế nhưng, việc lựa chọn cảm tính đã khiến không ít người phải chịu mất tiền oan.
Nhà anh Nguyễn Văn Trường khi mới hoàn thiện
Tấp nập khách mua đất
Cuộc sống thành phố bí bách, ngột ngạt, nhiều gia đình đã tìm đất ven đô xây dựng căn nhà thứ 2 với mục đích nghỉ dưỡng, thư giãn ngắn ngày.
Một số địa điểm được quan tâm, săn đón như Ba Vì, Sóc Sơn của Hà Nội; Lương Sơn, Hòa Bình; Nho Quan, Ninh Bình... Đặc điểm chung của những khu vực này là tiếp giáp với Hà Nội, mật độ dân số thấp và không gian cây xanh phủ rộng, phù hợp làm nhà vườn, nghỉ dưỡng.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, giá đất ở những khu vực này dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/m2, tùy vào vị trí, địa thế, diện tích...
Đơn cử lô đất 3.600m2 tọa lạc tại xã Vân Hòa, Ba Vì, cách Vườn Quốc gia Ba Vì khoảng 10 phút di chuyển, được chào bán giá 2 triệu đồng/m2. Cũng trên địa bàn xã Vân Hòa, lô đất 892m2 tại thôn Xoan, view núi được chào bán 3 tỷ đồng (3,3 triệu đồng/m2).
Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Vân Hòa, Ba Vì xác nhận, gần đây khách đến địa phương mua đất khá đông.
Theo vị này, giá mặt đường trục chính từ Hà Nội lên Vân Hòa được bán giá khoảng 300 triệu đồng/m2 mặt đường, sâu hết đất khoảng 60 - 100m; đường trục xã khoảng 3 triệu đồng/m2; đất trong dân thường bán gom theo sào, gồm đất ở và vườn.
Giá mỗi sào dao động từ 700 - 800 triệu đồng/sào (1,9 - 2,2 triệu đồng/m2).
Trên địa bàn huyện Lương Sơn, Hòa Bình, lô đất diện tích 680m2 tại xã Cư Yên, view núi, xung quanh cây xanh, cách Hà Nội khoảng 30km, cách QL6 khoảng 5km được chào bán 1,2 tỷ đồng (1,7 triệu đồng/m2).
Hay như lô đất 5.600m2 gồm cả đất ở và vườn, bám suối, cách đường Hồ Chí Minh 3km, Hà Nội 55km được chào bán giá 2,2 tỷ đồng (390 nghìn đồng/m2).
Lui ra phía trung tâm thị trấn Lương Sơn, giá đất cao hơn, dao động từ 9 - 15 triệu đồng/m2 tùy vị trí...
Anh Nguyễn Trọng Hiếu, một nhân viên môi giới tại địa phương cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại Hòa Bình khá nhộn nhịp. Ngay bản thân anh, mỗi tháng cũng “chốt” bình quân 7 - 8 đơn, tháng nhiều bù tháng ít.
Anh Hiếu cho hay, 10 năm trước (2011), đất Lương Sơn bán theo sào, giá khoảng 120 - 130 triệu đồng/sào (340 nghìn đồng/m2); Đến nay, giá đã tăng lên khoảng 1 triệu đến vài triệu/m2 tùy từng vị trí.
“Khách hàng đến đây xây nhà để nghỉ dưỡng nhưng cũng là để đầu tư, tạm thời sử dụng trong thời gian chờ tăng giá, khi đạt biên độ lợi nhuận mong muốn họ bán ra”, anh Hiếu cho hay.
Cũng theo nhân viên môi giới này, để làm nhà vườn thì diện tích phải rộng từ 1.000m2 trở lên. Trong khi đó, với diện tích dưới 1.000m2 thì Hòa Bình rất hiếm vì quỹ đất rộng.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ đất trong dân sôi động, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nghỉ dưỡng, đồng bộ hạ tầng tại đây cũng khá hút khách; giá bán dao động từ 11 - 15 triệu đồng/m2, chưa tính xây dựng. Những khu resort đã đưa vào vận hành, giá cho thuê khoảng 4 triệu đồng/đêm…
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Propertyguru Việt Nam cho biết: Phân khúc nghỉ dưỡng ven đô có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và có dấu hiệu “ấm” trở lại từ tháng 5/2021. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, ven Hà Nội được nhiều người tìm mua, giá tăng đều 2 - 7%.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, những dự án nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng ven đô đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tỷ lệ hấp thụ khoảng 30 - 40%.
Trong bối cảnh thành phố chật chội, xô bồ, người dân di chuyển ra ven đô để sinh sống, nghỉ ngơi và làm việc phù hợp với chủ trương quy hoạch của Chính phủ cũng như nhu cầu của người dân.
Nhà đầu tư cần tránh những sai lầm dễ mắc
Lô đất rào tại thôn Xoan, Vân Hòa chào bán 3 tỷ đồng
Bên cạnh nhiều người đầu tư “vui chơi có thưởng” thì thị trường này cũng chứng kiến không ít người rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương vương thì tội” sau khi xuống tiền đầu tư.
Anh Nguyễn Văn Trường, quê Nghệ An, hiện đang sống tại Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Lớn lên từ nông thôn nên ký ức tuổi thơ về “mùi hương dạ lý” vẫn luôn lưu giữ.
Nhớ về thời thơ ấu thoải mái chạy nhảy, vui chơi với bạn bè, tôi lại thương hai đứa con chưa đầy 10 tuổi, suốt ngày “chôn chân” trong căn hộ chung cư. Ngoài giờ học tập, chúng xoay vào chiếc ti vi, máy tính, điện thoại”.
Thế nên cách đây hơn 3 năm, anh quyết định bỏ hơn 4,5 tỷ đồng mua 3.000m2 đất ven đô (Ba Trại, Ba Vì), đầu tư xây dựng cơ ngơi đầy đủ: Nhà cổ bằng gỗ 5 gian 2 chái, 2 gian bếp, 1 chòi nghỉ ngói đỏ; sân vườn, ao...
Trong tâm thế hào hứng, sau khi xây dựng, anh sắp xếp được thời gian đưa gia đình, bè bạn về nghỉ ngơi, vui thú đều đặn.
Nhưng chỉ được khoảng nửa năm đầu, về sau công việc bận rộn, đi lại nhiều cũng mất thời gian, mệt mỏi nên những đứa trẻ cũng chán, số lần về thưa dần. Nửa năm nay anh chưa quay trở lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của gia đình gặp khó khăn về tài chính nên anh quyết định bán lại ngang giá. Nhưng suốt 6 tháng nay, anh vẫn chưa bán được bởi giá căn nhà chiếm 1/3 tổng giá trị, trong khi phần lớn khách hàng đến xem chỉ muốn mua đất để giảm chi phí.
Cùng phong trào “bỏ phố về quê”, anh Trần Văn Khởi (Đống Đa, Hà Nội) chung với 9 gia đình khác góp hơn 11 tỷ đồng, mua 10.000m2 đất trồng cây hàng năm tại Lương Sơn, Hòa Bình, xây dựng nông trại.
Anh Khởi chia sẻ, một năm đầu, nhà nào nhà đấy hứng khởi về đều đặn mỗi tuần 1 lần, tự cuốc đất trồng rau, trồng cây, xây nhà, chuồng trại chăn nuôi. Nhưng công việc ở nông trại lặp đi lặp lại, không có gì mới nên chóng chán, nửa năm nay chưa có nhà nào quay lại.
Tất cả nhóm bạn anh đã thống nhất bán lại toàn bộ khu nông trại nhưng vẫn chưa tìm được khách vì diện tích quá lớn, 1 người khó có đủ điều kiện mua hết, phải chờ có nhóm nào như nhóm của anh mới có thể sang tên.
“Bỏ đống tiền vào đầu tư cải tạo đất, chuồng trại, con giống, cây giống nên mỗi nhà phải bỏ 600.000 đồng/tháng góp tiền thuê người trông nom, trồng rau và chăn nuôi nông trại.
Thỉnh thoảng rảnh thì gọi camera ngắm vườn tược. Đến mùa thu hoạch, thịt cá nhờ họ đóng thùng xốp gửi xe khách xuống, của nhà nào thì nhà đó tranh thủ ra lấy. Phần còn lại cho quản gia tự bán kiếm thêm”, anh Khởi cho hay.
Anh Nguyễn Trọng Thủy (Cầu Giấy) cũng đang rao bán cắt lỗ “đứa con tinh thần” của mình tại Lạc Thủy, Hòa Bình mà anh đã sắm với giá hơn 2,5 tỷ đồng trước đó.
Anh Thủy kể, mỗi lần đi nghỉ dưỡng cùng gia đình thì thấy cuộc sống nhẹ nhàng, không xô bồ, tấp nập như phố thị. Nhưng khi mua nhà về ở mới cảm nhận được sự bất tiện, thiếu thốn.
Muốn mua “con cá, lá rau” phải đi chợ rất xa. Hàng xóm láng giềng “cách nhau cả quả đồi”, thiếu tiếng người, không gian vắng vẻ, buồn thiu.
“Không như đi nghỉ dưỡng, có người lau dọn, nấu nướng, dịch vụ đến tận răng, ở rồi mới thấy thích nghi không dễ dàng.
Chưa kể vấn đề quan trọng nhất là chốn học hành cho bọn nhỏ, nên đành phải “bỏ của chạy lấy người” trước đã”, anh Thủy nói.
Chia sẻ về những rủi ro với những nhà đầu tư theo phong trào “bỏ phố về quê”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô chia sẻ: “Nhiều người đi xem đất thấy cây mít đẹp, quả ngon nên quyết mua luôn cả lô đất.
Nhưng khi chuyển đến ở, mùi từ chuồng lợn, chuồng gà từ các nhà xung quanh khiến họ không thể chịu nổi.
Cũng có những người mua đất hơn 1 tỷ đồng nhưng sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua một bộ sopha nhập khẩu, bếp nhập ngoại... nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân…
Họ không hiểu rằng, đất là bất động sản “sinh sản” nhưng nội thất, nhà là tiêu sản, tỷ lệ khấu hao theo thời gian”.
Ông Trung cho rằng, người mua chỉ đánh giá đất, giá xây dựng bao nhiêu tiền một m2, chứ họ không chấp nhận bỏ thêm vài trăm triệu cho một bộ sopha cao cấp hay chi phí nội thất “đính kèm”...
Khi đầu tư quá nhiều giá trị vào ngôi nhà đó, không chỉ bị thiệt về giá bán mà còn rất kén người mua bởi tính cá nhân hóa rất cao.
“Phải tìm được khách hợp gu mới bán được, mà tìm được những khách hàng này không dễ”, ông Trung nói và khuyến cáo, khi mua, đầu tư nhà nghỉ dưỡng ven đô nên dùng lý trí để quyết định chứ không để cảm xúc đánh lừa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận