Việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP HCM là rất cấp bách(Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn |
Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi họ tính toán, cứ bỏ một đồng nhân dân tệ để xây dựng đường cao tốc thì sau này khi đưa vào khai thác, họ sẽ thu về 3 đồng.
Và từ những tính toán khoa học đó, những năm qua, quốc gia có dân số đông nhất thế giới này đã đổ rất nhiều tiền bạc để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc. Dù đi sau nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng đến nay, số lượng đường cao tốc ở Trung Quốc đã lên tới 123 nghìn km, vượt xa quy hoạch của họ lúc đầu chỉ đặt ra có 85 nghìn km.
Xét về tỷ lệ đường cao tốc trên dân số, Trung Quốc cũng đạt mức rất cao khi lên tới 80km/1 triệu dân. Hầu hết các nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ này đều đạt khoảng 60 km/1 triệu dân như Nhật Bản 72km /1 triệu dân; Hàn Quốc 90km/1 triệu dân; Ngay như Malaysia ở khu vực Đông Nam Á cũng đạt 60,1km/1 triệu dân. Trong khi đó, hiện nay, tỷ lệ này ở Việt Nam rất khiêm tốn, khi mới ở mức 14,6km/1 triệu dân. Điều đó cho thấy, chúng ta đang tụt hậu rất nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực về việc đầu tư, phát triển đường bộ cao tốc.
Những lợi ích mang lại của đường bộ cao tốc đối với phát triển KT-XH đất nước là rất rõ và hoàn toàn có thể đo đếm được. Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC - đơn vị tiên phong đầu tư, khai thác đường cao tốc tại Việt Nam dẫn chứng, các tuyến đường cao tốc của VEC sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo bức tranh hạ tầng GTVT đất nước, rút ngắn một nửa thời gian di chuyển của phương tiện vận tải, giảm 15 - 30% chi phí vận tải. Vì thế, hiệu quả cho vận tải và kinh tế nói chung rất lớn, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho đất nước. Như tuyến Nội Bài - Lào Cai, sau khi đưa vào khai thác, GDP của Lào Cai tăng 30%, du lịch tăng 15 lần. Các địa phương có tuyến đường đi qua cũng thu hút rất lớn đầu tư nước ngoài, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.
Tất cả những điều đó minh chứng việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc là rất cấp bách. Hiện, Việt Nam mới đưa vào khai thác chưa đầy 750km đường cao tốc, trong khi quy hoạch của chúng ta lên tới 6.114km. Do đó, việc sớm đầu tư đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông - trục huyết mạch của đất nước đang được Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội là cấp thiết hơn lúc nào hết. Việc làm này cũng để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển KT-XH đất nước trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận