Bất động sản

Đầu tư đất "ăn theo" quy hoạch cầu Trần Hưng Đạo: Cẩn trọng dễ mất tiền oan

18/09/2021, 13:30

Chuyên gia cảnh báo, đầu tư "ăn theo" quy hoạch Cầu Trần Hưng Đạo, cẩn trọng để tránh mất tiền oan vì giá đất khu vực này đã đạt đỉnh...

Giá đất tăng 3-5 triệu đồng/m2

Theo ghi nhận của PV tại khu vực Cổ Linh, quy hoạch đầu cầu Trần Hưng Đạo, căn nhà 52m2, 3 tầng, mặt đường Cổ Linh được giới thiệu ô tô vào tận nhà, thanh khoản tốt và đặc biệt chỉ mất khoảng 5-10 phút ra tới cầu Trần Hưng Đạo được chào bán với giá hơn 8 tỷ đồng (153 triệu đồng/m2).

img

Vị trí cầu Trần Hưng Đạo bắc qua Sông Hồng.

Trong vai khách hàng tìm mua, PV được chị Phan Thị Kim Xuyến, chủ nhà cho biết, chị mua nhà mới trong nội thành Hà Nội nên bán căn nhà cũ. Không có thời gian chạy đi chạy lại quyét dọn, nhà có phần bụi bặm nhưng cũng mới chỉ xây được 3 năm nay.

Nhà 3 tầng, nhưng móng xây chờ sẵn 6 tầng, chỉ cần có tiền là xây thêm tầng lên, không cần làm lại móng. "Em mua thì yên tâm, chị xây để ở nên vật liệu và cấu trúc tốt", chị Xuyến nói và cho biết thêm, đường trước nhà rộng 20m, vỉa hè 4m, thông thương các hướng, rất tiềm năng để kinh doanh, cho thuê và để ở.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hà Nội đã có Tờ trình gửi UBND TP.Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.

Đây là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỉ đồng... Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022 - 2025.

Cũng trên mặt đường Cổ Linh, căn nhà 86m2, 5 tầng, có thể cho thuê văn phòng, trụ sở công ty được chào bán với giá 15.5 tỷ (180 triệu/m2).

PV lăn tăn vì giá đắt, anh Đào Đức Dũng, chủ nhà cho hay, nhà làm để ở nên nội thất và mọi thứ đều tốt. "Hơn nữa, giá anh đã tham khảo nhiều nên bán với giá thị trường. Em tham khảo thì sẽ biết, anh cần tiền bán gấp nên không muốn làm giá lên xuống mất thời gian".

Cách đó không xa, căn nhà 5 tầng tại Phố Trạm, diện tích 56m2, lô góc 2 mặt thoáng (gần đường Cổ Linh, Aeon Long Biên) đang chào bán 3.85 tỷ đồng (68 triệu/m2). Xa hơn về phía Đặng Xá, căn nhà có diện tích 238m2, xây dựng 130m2/sàn x 3 tầng được chào bán 65 triệu/m2...

Theo dữ liệu của Batdongsan.com, thị trường bất động sản tại Long Biên, khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm tăng bình quân từ 10-30% tuỳ vị trí. Anh Nguyễn Văn Nghĩa, môi giới khu vực Long Biên cho biết, chỉ tính riêng năm nay, giá đất đã tăng 3-5 triệu/m2. Tuy nhiên dư địa không nhiều, hàng chủ yếu là nhà dân mua đi bán lại. Hiện giờ muốn mua đầu tư với giá khoảng 50 triệu đồng thì không có hàng.

Giá đã đạt "đỉnh"?

Đối chiếu của PV cho thấy, với mức bán 50-100 triệu/m2, giá bất động sản phía Đông Hà Nội đang ngang ngửa, thậm chí cao hơn đất phía Tây như: Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Dù vậy, các chuyên gia bất động sản nhận định giá vẫn còn tăng nữa.

Anh Trần Hoàng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Địa Ốc Việt cho biết, hạ tầng hoàn thiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản. Ví dụ như thị trấn Châu Quỳ, Gia Lâm, những năm 2017-2018 chỉ loanh quanh khoảng 20-40 triệu/m2, thì nay, nhiều khu đô thị mới "mọc" lên, kéo theo hạ tầng đồng bộ, giá bất động sản trong vùng tăng lên 80-90 thậm chí 100 triệu.

Hay như khu vực Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, năm 2014-2017, giá bất động sản không tăng, thậm chí giảm đến 10 triệu/m2. Nhưng nay, khi hạ tầng đồng bộ, nhiều khu dân cư hiện đại được đầu tư, giá bất động sản tăng lên 60-70 triệu/m2.

Như vậy để nói rằng, khi có đầu tư hạ tầng thì giá bất động sản sẽ tăng. Cầu Trần Hưng Đạo cũng tương tự, khi hoàn thiện thì chắc chắn ít nhiều sẽ tác động đến giá bất động sản quanh khu vực này.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết, Hà Nội đang hoàn chỉnh hệ thống giao thông rất tốt đặc biệt là các tuyến trục chính xung quanh Thủ đô. Đây là cơ hội rất lớn cho khu vực phía Đông, kết nối tới các dự án lớn ở Gia Lâm, Đông Anh.

Với lợi thế đấu nối thẳng vào khu vực phố cổ Hà Nội, cây cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩa rất lớn trong an sinh xã hội, việc giãn dân khu vực phố cổ cũng không phải là khó.

Ngược lại, anh Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc một công ty bất động sản trên địa bàn quận Long Biên cho rằng, Cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩ với an sinh, giải quyết áp lực giao thông cho hai cây cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy nhưng sẽ không tác động nhiều tới BĐS.

Bởi đến nay, hạ tầng khu vực Long Biên nói chung đã hoàn thiện, giá BĐS đang ở ngưỡng cao so với mặt bằng chung. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, khi quy hoạch 10 cây cầu trong đó có Cầu Trần Hưng Đạo đã bị giới đầu cơ "thổi" tới mức "đỉnh". Và với mức như hiện nay rất khó để tăng giá, nếu có thì biên độ không lớn và giao dịch len lỏi đất trong dân, trong ngõ sâu, người đầu tư chưa ngó tới hoặc tồn do vị trí không đẹp.

"Với mức giá 50-100 triệu thì rất khó để đầu tư, thanh khoản kém, rủi ro cao. Phần lớn giao dịch là nhà mua đi bán lại và nhu cầu ở thực. Khách đầu tư hiện nay đổ xô về các vùng ven cuối Gia Lâm, Đông Anh, Văn Giang... với mức giá trên dưới 20-40 triệu/m2 mua vào, biên độ lợi nhuận cao. Nhưng những khu đó thì không thể nói do tác động của cầu Trần Hưng Đạo mà còn nhiều yếu tố, nhiều cây cầu khác nữa", anh Hải nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.