Chiều 17/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác Bộ GTVT có buổi làm việc với tỉnh Hoà Bình |
Hạn chế mở rộng quốc lộ
Tại buổi làm việc với tỉnh Hoà Bình chiều 17/10, ghi nhận các đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Thể cho biết, thời gian qua, Hoà Bình đã hỗ trợ tốt trong công tác GPMB các dự án giao thông, nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, đầu tư dự án giao thông nào, ở thời điểm nào cần có sự tính toán, chọn lựa kỹ.
Theo Bộ trưởng, Hoà Bình là tỉnh miền núi nhưng rất gần Thủ đô, nếu có cao tốc để phát huy hiệu quả giao thông kết nối sẽ là cú hích để phát triển KTXH, đảm bảo ATGT. Như dự án đường Hòa Lạc - Tp. Hòa Bình, nếu có khả năng đầu tư thành cao tốc thì nên đầu tư ngay. “Chủ trương của Bộ là không nên mở rộng quốc lộ vì đều chạy qua các khu dân cư, chi phí GPMB rất cao và khó khăn. Trong khi có mở rộng cũng khó nâng tốc độ tối đa. Nếu địa phương nào có nhu cầu, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, đoạn nào đủ điều kiện sẽ làm cao tốc song song”.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh rà soát lại hành lang cao tốc Hoà Lạc - Tp. Hoà Bình để sau này có thể làm đường gom; lưu ý cơ quan chức năng địa phương khi cấp phép xây dựng cho các nhà dân sống hai bên đường phải đảm bảo hành lang an toàn đường bộ. “Kinh nghiệm là phải giao cho cấp xã, thôn, xóm để quản lý hành lang chặt chẽ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về kiến nghị của địa phương bố trí vốn cho cầu Hòa Bình 4 (1 phần của dự án đường cao tốc Hòa Lạc -Tp. Hòa Bình, sau này được tách ra làm dự án độc lập), Bộ trưởng cho biết, cây cầu này nằm trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức PPP (BOT + BT) đang được Bộ KH&ĐT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Sơn La để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hiện Sơn La đã bỏ kinh phí để GPMB, Bộ trưởng đề nghị Hoà Bình cũng có phương án GPMB để khi được Chính phủ thống nhất về mặt chủ trương thì nhanh chóng thúc đẩy các bước tiếp theo của dự án.
Về đề nghị cải tạo, nâng cấp QL15 (Km0 - Km20); QL70B đoạn Km132+720 - Km142+760; QL21 đoạn Km59+700 - Km72+200; QL12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình (Km30+300 - Km94); Nâng cấp một số đường địa phương thành Quốc lộ nối QL10, QL37B, QL.38B, QL1 với đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận 03 tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình, tuyến tránh QL6… Bộ trưởng giao các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT nghiên cứu, tập hợp, chuẩn bị hồ sơ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên cần có sự chọn lọc, ưu tiên những dự án thiết thực, khả thi nhất.
Bộ trưởng Thể đề nghị rà soát, chọn lọc kỹ để ưu tiên đề xuất đầu tư những dự án giao thông thiết thực, hiệu quả và khả thi nhất |
Khắc phục đường hỏng sau mưa lũ, đảm bảo ATGT
Chia sẻ với những khó khăn của Hoà Bình khi thiên tai bất thường trong năm nay gây hư hỏng lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN phối hợp cùng địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đợt 2 (dự kiến phân bổ trong Quý 4 khoảng 18,7 tỷ đồng) và các nguồn khác của tỉnh để đảm bảo giao thông.
Đề nghị Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ có văn bản ủng hộ đề xuất phân bổ nguồn vốn cho các tỉnh chịu hậu quả bão lũ.
Đặc biệt phải giải quyết toàn bộ những điểm ngập trên QL6 vào tháng 9/2019, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Sở GTVT Hoà Bình khảo sát 6 tuyến đường trong khu ATK, nếu có đủ điều kiện để nâng cấp theo đề xuất của địa phương, nếu không được thì tính toán, bố trí kinh phí duy tu, đầu tư nâng cấp, mở rộng, báo cáo sớm về Bộ GTVT để xem xét, phê duyệt.
Mở các vị trí lánh nạn trên QL6
Về công tác ATGT, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu làm đường lánh nạn trên QL6, nếu chưa có điều kiện thì làm hốc tránh nạn, xung quanh là các vỏ xe hơi để giảm thiểu nguy hiểm khi xảy ra sự cố. “QL6 là tuyến đường quanh co, nhiều đèo dốc, đề nghị Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hoà Bình khẩn trương khảo sát, vị trí nào làm được hốc tránh nạn thì làm ngay, tất cả vì tính mạng con người”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương rà soát lại các điểm đen, khẩn trương có phương án sửa chữa, khắc phục; kiến nghị địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm giao thông, nhất là các vi phạm về tải trọng, cơi nới thành thùng xe; quản lý chặt công tác giám sát thiết bị hành trình, đăng kiểm, sát hạch cấp GPLX...
Trước thực trạng Hòa Bình còn nhiều phương tiện thủy nội địa được đóng theo phương thức truyền thống đã hoạt động nhiều năm, không có hồ sơ thiết kế, hoạt động tự phát, chưa được quản lý cấp đăng ký, đăng kiểm theo quy định, Bộ trưởng đề nghị các địa phương có nhiều phương tiện truyền thống cùng họp, đưa ra chính sách, quy định phù hợp với thực tế. Quan điểm là phương thức giải quyết đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện này phải gọn nhẹ, thuận tiện cho người dân. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để sớm ban hành các quy chuẩn, quy định liên quan đến vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận