Mô hình phải đi vào cuộc sống
Chiều 10/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng Mê Kông.
Tại hội thảo, nói về việc làm thương hiệu sản phẩm từ mô hình lúa tôm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho rằng, phải làm thương hiệu từ chính cảm xúc và niềm tự hào với sản phầm của mình. Việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ những đúc kết, những câu chuyện được khắc hoạ một cách dễ hiểu nhất.
Quang cảnh hội thảo phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng Mê Kông tại Bạc Liêu.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đối với mô hình lúa - tôm, ngoài yếu tố lợi nhuận thì điều cần quan tâm hơn là về môi trường, hệ sinh thái.
“Môi trường sản xuất là câu chuyện cần được ngành chức năng và các doanh nghiệp nghiên cứu. Làm tốt vấn đề môi trường thì mới làm ổn định về lợi nhuận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, người nông dân nghĩ gì và nhận thức gì về mô hình mới là điều quan trọng nhất. Những kết tinh về mô hình phải đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, địa phương phải tổ chức để nông dân có dịp ngồi lại với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhằm cùng nhau chia sẻ những kiến thức về mô hình.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2021, diện tích mô hình này tiếp phát triển và mở rộng đạt 39.404 ha, chiếm khoảng hơn 33% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Bạc Liêu (tốc độ tăng diện tích bình quân/năm là 5,26%). Hiện, tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, người nông dân nghĩ gì và nhận thức gì về mô hình mới là điều quan trọng nhất và những kết tinh về mô hình phải đi vào cuộc sống.
Ông Thiều cũng nhìn nhận, trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất.
“Có thể nói mô hình tôm - lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, mô hình "thông minh" tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế và dài hạn thì mô hình tôm - lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng và gần đây là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn đang là mối đe dọa thực sự đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Bên cạnh đó, do trong quá trình chuyển dịch từ lúa kém hiệu quả sang nuôi luân canh thủy sản thì các công trình hạ tầng (thủy lợi, điện, giao thông…) mặc dù đã quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác còn thiếu vốn đầu tư cũng như thiếu các thông tin kỹ thuật mới... dẫn đến phát triển chưa bền vững, nên hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh trong khuôn khổ của hội thảo.
Nhiều đề xuất, ý kiến thiết thực
Nông dân Phạm Chí Mến (xã An Biên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi đã trồng được 5 vụ lúa ST trong mô hình lúa - tôm. Cái được nhất của việc trồng lúa ST là năng suất và giá thành ổn định. Từ khi áp dụng không chỉ riêng tôi mà nhiều nông dân trong khu vực rất phấn khởi. Hiện nay, mô hình cho tổng nguồn thu khoảng 170 triệu/10 công (mỗi công tầm lớn hơn 1.300m2)”.
Theo GS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ), hiện nay, tỷ lệ hộ nuôi có ao để nuôi tôm trước khi thả giống ra ruộng rất thấp, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng con tôm.
Mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng ĐBSCL.
“Đây là vấn đề chúng tôi nhìn thấy, nhưng có nhiều hộ dân chưa làm được. Khi chất lượng con giống được đảm bảo thì rủi ro là rất thấp, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn để phục vụ xuất khẩu”, GS Long nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất, ngành chuyên môn cần có khuyến cáo cụ thể và quản lý chặt về thời vụ. Từ những mô hình thành công thực tiễn của nông dân, các địa phương cần quan tâm nhân rộng.
Ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trúc Anh cho rằng: “Cơ quan chuyên môn, cán bộ phải cầm tay chỉ việc cùng nông dân thực hiện mô hình và cán bộ cơ sở phải theo sát nông dân, cùng nông dân làm nên những sản phẩm tốt”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu và nhà khoa học nhìn nhận, sau nhiều năm thực hiện mô hình, hiện nông dân đã áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm – lúa, nhất là vùng mở rộng diện tích từ diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang thực hiện mô hình luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, cho hiệu quả cao; ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất.
Hội thảo cũng thừa nhận rằng, nhìn vào kết quả sản xuất (năng suất, sản lượng thu hoạch) thu được thấy rằng sự phát triển của mô hình chưa thật sự tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận