Điều này sẽ giúp tạo động lực lớn để 19 tỉnh, thành trong khu vực bứt phá mạnh mẽ.
Quá tải hạ tầng giao thông
Giữa tháng 4 vừa qua, vào dịp cuối tuần, anh Đinh Văn Tuấn (quận 11, TP.HCM) đưa gia đình đi Long Hải chơi. Xem bản đồ từ TP.HCM về Long Hải chỉ 100km, thời gian di chuyển bằng ô tô khoảng 2,5 giờ.
Thế nhưng thực tế gia đình anh phải di chuyển mất gần 5 tiếng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, yêu cầu việc thi công phải đạt tiến độ và chất lượng như thiết kế. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2023
“Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xe quá đông, từ điểm vào nút giao An Phú, TP.HCM mất 20 phút mới qua được. Ra QL51 chờ 2 nút giao đèn đỏ, một trạm thu phí cũng gần cả tiếng đồng hồ”, anh Tuấn kể.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC E), trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trung bình mỗi ngày có khoảng 38.000 - 42.000 lượt phương tiện lưu thông và tăng lên 43.000 - 46.000 dịp cuối tuần.
Có thời điểm đơn vị phải khuyến cáo tài xế lựa chọn tuyến đường khác để lưu thông.
Ở hướng phía Tây, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mới đây, người dân cũng chật vật từ các tỉnh miền Tây trở lại thành phố sau 4 ngày nghỉ lễ. Từ Tiền Giang, ô tô có thể chọn đi vào cao tốc, xe máy đi QL1 nhưng khi đến cửa ngõ TP.HCM, tất cả đều nhập vào đoạn QL1 qua Bình Chánh khiến ùn tắc diễn ra thường xuyên.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang và Long An) vốn được mệnh danh là “bát giác kim cương” đã và đang có những đóng góp đáng kể tạo nên sức bật và duy trì vị trí dẫn đầu nền kinh tế cả nước.
Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% nhưng GDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GDP của bốn vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), khu vực miền Nam, ngoài tuyến cao tốc Bắc - Nam đã và đang triển khai, hiện chỉ có 3 tuyến cao tốc là TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành đưa vào khai thác.
So sánh với quy mô diện tích, dân số và sự đóng góp cho nền kinh tế của cả khu vực, số km cao tốc hiện có không thể đáp ứng được tốc độ phát triển của vùng.
“Các tỉnh Đông Nam bộ, ĐBSCL và TP.HCM có hơn gần 40 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước. Nhu cầu vận tải giữa các tỉnh thành trong vùng ngày càng tăng, trung bình 10 - 12%/năm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông dường như không theo kịp. Điều này phần nào khiến vùng kinh tế phía Nam chưa thể bứt phá”, ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, với dân số và điều kiện tự nhiên thì khu vực này sẽ còn đóng góp cho cả nước nhiều hơn hiện nay. Muốn làm được điều này, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phải đi trước một bước.
“Nói đến giao thông các tỉnh, thành phía Nam không thể không nhắc đến giao thông đường thủy, tuy nhiên chưa được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải, cần sớm có một sân bay tầm cỡ quốc tế như Long Thành đi vào hoạt động để san sẻ áp lực vận tải”, ông Hòa đánh giá.
Tạo ra sự phát triển đồng đều
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Tuyến đường giúp lưu thông từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây từ 3 tiếng còn 1,5 tiếng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khi hạ tầng đường bộ, hàng không, đường thủy và cả đường sắt hoàn thiện chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho 19 tỉnh phía Nam.
“Khi giao thông đồng bộ, kết nối giữa các địa phương chặt chẽ thì hệ quả là sức hút đầu tư sẽ rất lớn. Từ đó khơi dậy được tiềm năng của khu vực này”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, việc hình thành mạng lưới giao thông, đặc biệt các tuyến cao tốc còn tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các tỉnh, từ đó giúp giảm áp lực về hạ tầng cho TP.HCM.
“Hiện nay, dễ nhận thấy sự phát triển kinh tế - xã hội của 19 tỉnh, thành không đồng đều. Khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn vẫn chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Từ đó kéo theo sự mất cân bằng về dân cư, người các tỉnh đổ về mỗi năm một lớn, dẫn đến quá tải hạ tầng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy rõ điều này”, ông Kiên nói.
Từ phân tích trên, ông Kiên cho rằng, khi mạng lưới giao thông phát triển, đồng bộ sẽ giúp các tỉnh, thành phía Nam đồng đều trong việc thu hút các khu, cụm công nghiệp.
Từ đó sẽ tạo ra công ăn, việc làm và giữ chân người dân ở lại địa phương, không đổ dồn lên TP.HCM.
Theo ông Kiên, các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL cần phát huy lợi thế trong giao thông đường thủy. Luồng tuyến, cảng đường thủy phải được đầu tư đúng mức để tận dụng thế mạnh hệ thống sông ngòi dày đặc.
“Vận tải đường thủy rẻ hơn đường bộ. ĐBSCL là vựa nông sản của cả nước, nhu cầu giao thương rất lớn. Nếu được đầu tư đúng mức chắc chắn vận tải đường thủy sẽ là thế mạnh của nơi này”, ông Kiên nói.
Tận dụng lợi thế để bứt phá
Nút giao thông ngã 3 Cát Lái (TP Thủ Đức) nằm ở điểm đầu của đại lộ Đông Tây kết nối với Xa lộ Hà Nội
Trong khi đó, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, vùng ĐBSCL có nhiều tài nguyên, nguồn lực chưa được khai thác hết.
Vùng đất này thích hợp với sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh… có nhiều dư địa, yếu tố thuận lợi để tăng GDP cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
“Tuy nhiên, một trong nguyên nhân lâu nay vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tận dụng hết lợi thế vốn có để bứt phá là vướng điểm nghẽn hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối”, ông Ngân nhận xét.
Theo ông Ngân, nhìn thấy rõ điều này, thời gian qua Chính phủ đã tập trung nguồn lực để đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc, cảng biển, hàng không… từ đó giúp mảnh đất “Chín Rồng” và Đông Nam Bộ có thể vươn mình mạnh mẽ.
“Nói đến ĐBSCL là nhắc đến những vựa nông sản, tuy nhiên sản xuất nông sản ở đây chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, vẫn thiếu công nghiệp chế biến để nâng tầm.
Chính vì vậy, khi giao thông phát triển, bài toán về công nghiệp chế biến công nghệ cao chắc chắn sẽ được giải quyết. Bởi, khi có những tuyến cao tốc, nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm đến”, ông Ngân nêu quan điểm.
Đối với Đông Nam Bộ, khi hạ tầng giao thông phát triển thì tính liên kết vùng tại đây sẽ được nâng lên, với TP.HCM là hạt nhân.
Ông Ngân nhận định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trục tứ giác vàng là TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, khi hoàn thiện được tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, sân bay Long Thành ở Đồng Nai, cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu… chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển trong vùng.
“Hạ tầng giao thông tốt sẽ giảm được chi phí logictics, từ đó lan tỏa sức hút đầu tư, khai thác được thế mạnh của các tỉnh, không còn tập trung ở TP.HCM. Ngoài ra, một khi giao thông được đầu tư đúng mức cũng sẽ kéo theo du lịch phát triển, mà du lịch thì vùng này có quá nhiều lợi thế”, ông Ngân nói.
Sẽ có thêm gần 1.000km cao tốc
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực phía Nam có 10 tuyến với chiều dài khoảng 1.290km, quy mô từ 4 - 10 làn xe gồm: Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng), Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai), TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (Bình Phước), TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh), TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh. Cùng với đó là 2 đường vành đai đô thị TP.HCM (Vành đai 3, Vành đai 4) dài 291km.
Giai đoạn 2021 - 2030, khu vực phía Nam bao gồm ĐBSCL sẽ có thêm gần 1.000km đường cao tốc; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 670km và thêm 300km trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận