Ngày 15/2, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trong năm 2022 sẽ tổ chức nạo vét đảm bảo giao thông đường thủy đối với hơn chục đoạn, vị trí bãi cạn trên 10 tuyến đường thủy quốc gia trọng điểm.
Nạo vét bảo đảm giao thông một tuyến đường thủy phía Bắc - Ảnh minh họa
Các đoạn, vị trí cụ thể: Km60-Km61 Mom Rô, Km48+750 bãi Bùi Chu, Km52+800, Km54+800, Km55+800 và Km56+500 trên sông Ninh Cơ. Sông Đào Nam Định tại ngã ba sông Hồng - Đào vị trí Km33+500, bãi Đống Cao vị trí Km 3+00. Trên sông Hồng nạo vét đoạn luồng cạn ghềnh Vật Lợn từ Km358+500 - Km361+273.
Tuyến sông Lèn nạo vét đoạn cạn cửa Lạch Sung từ Km3+570-Km5+510. Kênh Quản Lộ Phụng Hiệp đoạn Km93+500-Km 101+840; sông Bảy Hạp từ Km 12+000 -Km 25+150; sông Tắc Thủ từ Km0+000 đến Km4+500, sông Gành Hào từ Km61+300- Km 62+500. Kênh rạch Cái Côn - Quản Lộ Phụng Hiệp nạo vét từ Km 00+00-Km14+500 và Km25+00- Km93+500; kênh Vàm Lẻo - Bạc Liêu - Cà Mau đoạn từ Km0+000- Km18+055.
Cùng đó, Cục Đường thủy nội địa VN cũng ưu tiên kinh phí để thanh thải các chướng ngại vật (bãi đá ngầm, trụ cầu, kè hỏng…) trên 11 tuyến đường thủy quốc gia để đảm bảo giao thông thủy.
Tổng kinh phí để nạo vét đảm bảo giao thông, thanh thải chướng ngại vật nói trên là hơn 209 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách dành cho kinh tế sự nghiệp đường thủy năm 2022. So với các năm trước, đây cũng là mức đầu tư lớn nhất dành cho công tác nạo vét đảm bảo giao thông, thanh thải chướng ngại vật trên đường thủy quốc gia trong một năm.
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, các đơn vị thực hiện dự án nạo vét luồng, thanh thải chướng ngại vật đường thủy nói trên sẽ được lựa chọn qua hình thức đấu thầu trực tuyến, công khai theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận