Bội thực video "bẩn"
Mới đây, chủ kênh YouTube có tên Hưng Vlog tiếp tục gây tranh cãi với video có tiêu đề: "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi". Trong đoạn video, Hưng Vlog đã lấy trộm tiền trong heo đất của em trai và em gái. Sau đó, anh dùng số tiền này để sai em đi mua gà rán, pizza, nước dừa... về chiêu đãi cho các em. Hưng Vlog còn nhấn mạnh trong clip rằng anh là “người anh có tâm”.
Clip nhanh chóng hút hàng trăm nghìn lượt xem sau 1 ngày đăng tải, kèm nhiều bình luận trái chiều. Đa số đều tỏ ra phản đối trước hành động của Hưng Vlog.
“Hành động này đang cổ súy, dạy hư trẻ con cách trộm cắp. Kênh YouTube này ngày càng thiếu ý tưởng, làm toàn clip xàm.”; “Tôi kêu gọi mọi người lên tiếng tẩy chay kênh YouTube độc hại này”... là một số ý kiến của cư dân mạng.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội của dư luận, Hưng Vlog đã xóa bỏ video gây tranh cãi. Ngay sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc và đang rà soát toàn bộ các thông tin trên mạng.
"Đơn vị đã bàn giao cho thanh tra rà soát toàn bộ, kỹ lưỡng các thông tin trên mạng", Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang chia sẻ.
Đây không phải clip duy nhất Hưng Vlog nói đến việc ăn trộm tiền. Trước đó, kênh YouTube đã có những clip tương tự như "trộm 20 triệu của người yêu để nạp tiền chơi game", "lấy cắp 40 triệu của mẹ mua máy quay", "lấy cắp 30 triệu của mẹ để mua xe"… tất cả đều thu hút hàng triệu lượt xem.
Ở một diễn biến khác, loạt phim về đề tài “giang hồ áo trắng” vẫn nhận rất nhiều lượt xem, thậm chí lọt Top Trending (thịnh hành) trên YouTube. Nội dung các video này hầu hết đều chứa cảnh gây hấn, đánh lộn, chửi thề,... của những nhân vật đóng vai học sinh. Tất cả đều mặc đồng phục giống học sinh nhưng mặt mũi đằng đằng sát khí, tóc tai nhuộm xanh đỏ và luôn xuất hiện một nhóm có “đại ca”, “đàn em”, “lính lác”… như trong các bộ phim giang hồ, băng đảng.
Đơn cử, trong series "Phim Học đường 2020 - Bạn gái tôi trùm trường" của kênh YouTube có tên La La School, có nhiều cảnh “cô học sinh trùm trường” cởi áo khoe thân, khoe ngực, mặc mỗi đồ lót. Đó còn chưa kể đến các video có những phân cảnh học sinh đi ăn nhậu, uống bia, dùng côn đánh nhau để tranh giành bạn gái... Đáng nói, các video của La La School sản xuất về nội dung này vẫn tồn tại trên YouTube và liên tục được sản xuất từ năm 2018 đến nay.
Thực tế, Hưng Vlog hay La La School cũng chỉ là cái tên nổi bật với những video cổ suý thái độ sống không lành mạnh. Không khó để tìm ra hàng loạt kênh YouTube có nội dung tương tự như trên vẫn tràn lan trên nền tảng mạng xã hội này.
Chế tài đã đủ sức răn đe?
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng.
Trước đó, cơ quan báo chí liên tục phản ánh mạng xã hội tràn ngập video nhảm nhí, có nội dung giật gân để lôi kéo người xem với mục đích kiếm tiền.
Văn bản chỉ đạo nêu rõ những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống. Song, các nội dung này vẫn rất khó kiểm soát.
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý.
Nhìn nhận về thực trạng nội dung "bẩn" ngày càng tràn lan trên YouTube, chuyên gia tâm lý Hoàng Thuý Hải cho rằng, việc không phải trải qua các khâu kiểm duyệt vừa là lợi thế của các sản phẩm chiếu mạng so với sản phẩm chiếu trên kênh chính thống như truyền hình, điện ảnh. Nhưng, đây lại là lỗ hổng nhiều sản phẩm không chất lượng, thực hiện cẩu thả thậm chí truyền tải nội dung phản cảm, đi ngược với chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục.
"Cũng từ đó, người ta bất chấp thu hút sự nổi tiếng, câu view để thoả mãn cái tôi của mình. Thực trạng video truyền tải nội dung lệch lạc tràn lan như một lời cảnh báo đối với những người làm YouTube. Họ cần đầu tư những nội dung chất lượng, mang tính thẩm mỹ, giáo dục cao hơn những chiêu trò để cố câu view, câu like tự phát", bà Hoàng Thuý Hải nói.
Bên cạnh đó, ngoài việc lên án, chúng ta cần dành sự quan tâm nhiều hơn, tìm hiểu tâm tư và suy nghĩ của con trẻ. Từ đó, định hướng cho con về cách tiếp cận, kiểm chứng nguồn thông tin.
Trao đổi với báo Giao thông, luật sư Trần Anh Dũng (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc Hưng Vlog đăng tải "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi" có thể bị xử phạt theo điểm d, khoản 1, điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Cách đó không lâu, Hưng Vlog bị Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải clip nấu cháo gà nguyên lông phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Hưng Vlog hứa sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ những video tiếp theo.
Tuy nhiên, nhìn vào những gì Hưng Vlog đã, đang làm, phải chăng những lời hứa của anh cách đây 1 tháng chỉ là "lời nói gió bay"? Có thể, Vlogger này đã quá rành những kẽ hở của pháp luật hiện hành với chế tài chưa đủ mạnh nên mới có thái độ ngày càng táo tợn và xấc xược đến vậy?
Khi chế tài chưa đủ sức răn đe, số tiền xử phạt chưa là gì so với số tiền bạc tỷ mà YouTuber kiếm được mỗi năm có lẽ làn sóng dư luận sẽ là hình phạt "nghiêm" nhất. Chúng ta chỉ cần tỉnh táo, chọn lọc những nội dung lệch lạc, đi ngược với chuẩn mực văn hoá, đạo đức. Hay nói cách khác, “tẩy chay” thực sự là liều thuốc rất cần cho các hoạt động trên YouTube.
Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội" như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận