Đưa con trai ra tòa
Cụ Nguyễn Thị Đ (86 tuổi) và chồng (đã mất) là vợ chồng hợp pháp, sinh được 6 người con. Hai vợ chồng cụ Đ có tài sản chung là quyền sử dụng 278,6m2 đất tại thửa số 46, tờ bản đồ số 7 ở xã Cổ Bì, do UBND huyện Bình Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà cấp 4, công trình phụ do vợ chồng cụ Đ xây dựng.
Năm 2018, do tuổi cao, sức khỏe yếu nên chồng cụ Đ đã qua đời, có để lại tờ di chúc viết tay với nội dung dặn dò vài điều về tài sản; Dặn con cái hòa thuận, bảo ban nhau. Tuy nhiên, tờ giấy viết tay không có chữ ký của người có trách nhiệm hoặc người làm chứng, nên khi gửi UBND xã để chứng thực thì không có giá trị pháp lý.
Sau khi chồng mất, cụ Đ có nguyện vọng tiếp tục được ở lại căn nhà. Năm người con của cụ Đ đều đồng ý tặng phần nhận thừa kế cho cụ Đ sử dụng, không yêu cầu phải trả giá trị phần thừa kế được hưởng.
Tuy nhiên, người con trai thứ 3 của hai cụ là ông Nguyễn Viết T cho rằng lô đất xây dựng ngôi nhà cấp 4 do ông bà ngoại để lại, không phải nhà riêng của bố mẹ nên phải giao cho con cái sử dụng.
Ông T đề xuất được sử dụng toàn bộ thửa đất và tài sản gắn liền với đất bằng hiện vật tại thửa đất số 46 và có trách nhiệm trả giá trị cho những người đồng thừa kế còn lại.
Trước vụ việc trên, dù rất đau lòng, nhưng cụ Đ buộc khởi kiện yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế của chồng và đề nghị được sử dụng, sở hữu toàn bộ di sản thừa kế bằng hiện vật. Cụ Đ cũng nhận trách nhiệm trả giá trị phần di sản cho những người đồng thừa kế còn lại.
Buộc phải trả lại nhà cho người mẹ
Cuối năm 2021, vụ án được đưa ra xét xử. Sau khi xem xét các tình tiết, hội đồng xét xử quyết định giao cụ Đ quyền sử dụng toàn bộ thửa đất số 46, tờ bản đồ số 7 với diện tích 278,6m2 và tài sản trên đất gồm: Ngôi nhà cấp 4 mái ngói ta, tường xây gạch chỉ, gian buồng gác gỗ hai tầng; Công trình phụ, lán tôn; 74,7m2 sân lát gạch đỏ; 10 cây cau, 2 cây vú sữa (1 cây đã chết); 2 cây mai, 2 cây mít và 1 cây vải. Tổng tài sản của hai vợ chồng cụ Đ được toà xác định có giá trị hơn 581 triệu đồng.
Đây là sự việc hy hữu của địa phương. Việc một người mẹ gần 90 tuổi phải kiện con để được giữ lại căn nhà của chính mình, khiến ai nấy đều xót xa, thương cảm. Đây cũng là bài học cho những người khác phải tự lực, tự cường, không nên đòi hỏi cha mẹ vô điều kiện. Đồng thời, tích cực làm tròn nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, làm tròn trách nhiệm hiếu thảo, kính trọng người cao tuổi.
Ông Nguyễn Mạnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Bì
Như vậy, sau khi chồng mất, cụ Đ được thừa kế 1/2 giá trị tài sản chung. Phần ½ giá trị tài sản còn lại được chia 7 suất thừa kế, mỗi suất được hưởng hơn 83 triệu đồng. Do những người con còn lại đều biếu tặng cụ Đ phần thừa kế của mình, nên cụ Đ chỉ có trách nhiệm trả cho ông T giá trị di sản mà ông T được hưởng là hơn 83 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù án đã tuyên nhưng ông T vẫn không chịu trả lại nhà cho mẹ. Chỉ đến khi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương thực hiện cưỡng chế chuyển giao nhà và tài sản trên đất theo quyết định của bản án dân sự thì ông T mới giao nhà.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay ngôi nhà của cụ Đ không có ai ở. Bà Nguyễn Thị Ph (SN 1962, là người con thứ 2 của cụ Đ) sống ở xã Long Xuyên, huyện Bình Giang thường xuyên sang hương khói, dọn dẹp, vườn tược cho mẹ. Bà Ph cho biết, hiện nay cụ Đ tuổi cao, hay đau lưng, nên sau sự việc xảy ra với gia đình, sợ cụ buồn, các con đã động viên cụ ra sinh sống cùng con trai ở Hà Nội.
"Gia đình tôi nổi tiếng ở xã là gia đình văn hóa và có truyền thống tốt đẹp, không xảy ra mâu thuẫn gì. Đến nay, tôi và anh em trong gia đình không hiểu sao lại xảy ra vụ việc như vậy, không hiểu em tôi nghĩ gì khi hành xử khiến mẹ buồn", bà Ph tâm sự.
Ông Nguyễn Mạnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Bì cho biết, vụ việc được khởi kiện và giải quyết vào năm 2021 nhưng do có đơn thư lên Tòa án nhân dân Tối cao nên kéo dài.
"Vụ việc tranh chấp đất xảy ra tại nhà cụ Đ không xảy ra mâu thuẫn nặng nề, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nhưng do cụ Đ và ông T đều có đơn, nên UBND xã đã nhiều lần làm việc với ông T. Tuy nhiên, ông T không đồng ý với hướng giải quyết của mẹ và các anh chị em trong nhà, nên vụ việc buộc phải để tòa án xử lý", ông Tuyến cho hay.
Ông Tuyến chia sẻ thêm, gia đình cụ Đ là gia đình văn hóa của địa phương, có kinh tế khá giả và sẵn sàng giúp đỡ khi địa phương cần. "Sự việc con trai cụ Đ muốn sử dụng nhà đất khiến người mẹ phải kiện, tình cảm gia đình rạn nứt khiến nhiều người bất ngờ, cảm thấy day dứt", ông Tuyến chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận