Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Nhằm bảo đảm quyền lợi của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và quy định an toàn phòng chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã thực hiện đổi mới trong tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.
Ngành BHXH đẩy mạnh giao dịch điện tử toàn diện
Theo đó, trong quý III năm 2021, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp cùng Bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng vào cùng một kỳ chi trả (tháng 7 - 8, tháng 9 - 10) phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở từng địa bàn và hình thức chi trả linh hoạt (chi tiền mặt tại điểm chi trả hoặc tại nhà ở các địa phương nguy cơ cao; chi qua tài khoản cá nhân). Đồng thời, chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông, vận động người dân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, việc giao dịch thu - chi BHXH, BHYT bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp cấp bách, cần phải được triển khai mạnh mẽ để hướng đến giao dịch điện tử toàn diện.
Toàn hệ thống BHXH Việt Nam đã thực hiện giao dịch điện tử với tất cả đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, người dân về BHXH, BHYT. Mọi giao dịch về thu - chi BHXH, BHYT đều có thể thực hiện trực tuyến qua hệ thống ngân hàng, trên các ứng dụng như Ví điện tử, Internet Banking, Smartphone hoặc các cổng thanh toán điện tử.
Nắm bắt tinh thần chung, nhiều BHXH địa phương đã có văn bản đẩy mạnh thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trên địa bàn. Đặc biệt trong đó là BHXH TP.Hải Phòng đã thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu hết năm 2021, tại khu vực đô thị có 71% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Để thực hiện hiệu quả, BHXH nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng dẫn người lao động khi đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, cần kê khai số tài khoản ATM để cơ quan BHXH chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản đó, thay vì nhận trợ cấp bằng tiền mặt tại Bưu điện. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hướng dẫn, thông tin để người lao động mở thẻ ATM thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Hơn 21 triệu người sử dụng ứng dụng BHXH số (VssID)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID càng thấy rõ hiệu quả. Người lao động có thể nhận trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản qua tài khoản cá nhân và theo dõi được quá trình đóng và hưởng BHXH, BHYT của mình; còn với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chuyển sang nhận qua tài khoản cá nhân…
Hiện nay, toàn quốc đã có trên 21 triệu người tải và đăng ký tài khoản sử dụng VssID. Qua khảo sát cho thấy, có đến 71% người dân được hỏi đã có những nhận xét tích cực về thái độ phục vụ của cán bộ BHXH, hài lòng về thời gian thực hiện phê duyệt tài khoản; việc cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID được thuận tiện, dễ dàng; giao diện của ứng dụng VssID đảm bảo thân thiện với người dùng…
VssID là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ cá nhân của ngành BHXH Việt Nam. Với ứng dụng này, người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh (KCB); cập nhật các thông tin về thẻ BHYT, quyền lợi được hưởng khi đi KCB; biết rõ lịch sử KCB BHYT của mình.
Đồng thời, dễ dàng theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT; lịch sử hưởng các chế độ BHXH (hàng tháng, một lần, ốm đau, thai sản, DS-PHSK, TNLĐ-BNN); hỗ trợ tra cứu mã số BHXH, địa chỉ cơ quan BHXH, cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH, cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT, đơn vị tham gia BHXH, điểm thu hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân liên quan BHXH, BHYT.
VssID cũng cập nhật thông tin về phiếu điều chỉnh lương hưu, các loại giấy được cấp theo quy định của Bộ Y tế khi đi KCB; bản xác nhận thời gian tham gia BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động... Hỗ trợ trực tuyến 24/7: Chatbot-trả lời tự động, tổng đài hỗ trợ 19009068, email, câu hỏi thường gặp, gửi phản ánh, kiến nghị đến cơ quan BHXH; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc, tham gia BHXH, BHYT tại Việt Nam có thể sử dụng ứng dụng VssID một cách dễ dàng, BHXH Việt Nam đã triển khai, tích hợp đa ngôn ngữ trên ứng dụng VssID. Tính đến nay, ứng dụng VssID đã triển khai 5 ngôn ngữ, gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản.
Theo nhận định của các chuyên gia, giao dịch thực hiện chủ yếu qua phương thức online, trực tuyến rất tiện dụng, giúp tiết kiệm thời gian, kiểm soát được nguồn tiền… Đồng thời, với việc chi trả các chế độ qua tài khoản cá nhân, người hưởng sẽ hạn chế đi lại, tiếp xúc đông người và bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận