Quản lý

Đẩy mạnh tái cơ cấu 19 trường ĐH-CĐ thuộc Bộ GTVT

30/06/2017, 18:59

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường thuộc Bộ GTVT.

Lê Đình Thọ1
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Tấn Việt

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Hoài An – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, 19 trường – học viện thuộc Bộ GTVT có những chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Các trường đã tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tinh giản số người làm việc. Một số trường có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, giảng viên giỏi.

Ông Trần Hoài An cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại, hạn chế của các trường như khó khăn trong việc bố trí, sử dụng giảng viên hợp đồng từ 1 năm trở lên do vận dụng quy định mới tại Thông tư 32 của Bộ GT&ĐT thay thế Thông tư 57 trước đây trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong cơ sở đào tạo công lập (căn cứ vào số giảng viên là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức – số biên chế).

Ngoài ra, nhiều trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, chậm đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy… dẫn đến chất lượng đào tạo thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Nguyên nhân chính được ông An chỉ ra là do đầu tư cho giáo dục có khả năng thu hồi vốn chậm nên việc xã hội hóa công tác đào tạo còn nhiều hạn chế; đầu tư của Nhà nước, Bộ GTVT cho các trường vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo.

Theo thầy Nguyễn Văn Thư – Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, năm 2016, trường tuyển được 2.848 sinh viên, đạt 72% chỉ tiêu, tổng số người làm việc tại trường hiện có 602 người. Trường đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ hội tăng số lượng tuyển sinh trong năm 2017 là khả quan.

GTVT2
Thầy Nguyễn Văn Thư cho biết Trường ĐH GTVT TP.HCM đang đẩy mạnh đào tạo ngành logistics. Ảnh: Tấn Việt

Chia sẻ thêm tại Hội nghị, thầy Thư cho biết đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 3 ngành chất lượng cao gồm: Chuyên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức, Kỹ thuật điện tử truyền thông và ngành Kinh tế xây dựng. “Trường hợp tác với Nhật Bản, mời giảng viên sang dạy về logistics; hợp tác với Hiệp hội logistics Việt Nam nhằm đào tạo, cấp giấy chứng nhận được Hiệp hội logistics Đông Nam Á thừa nhận”, thầy Thư nói và cho biết, mỗi năm, trường đào tạo khoảng 200 sinh viên liên quan ngành logistics và sắp đến tập trung đẩy mạnh ngành nghề này.

Bên cạnh các trường có số sinh viên theo học nhiều, vẫn còn một số trường gặp khó trong công tác tuyển sinh như Trường CĐ GTVT Trung ương V năm 2016 chỉ tuyển được 822 sinh viên (đạt 27% chỉ tiêu), Trường Trung cấp GTVT Thăng Long tuyển được 157 sinh viên năm 2016 (đạt 56%)… Thầy Nguyễn Văn Tươi - Hiệu trưởng Trường CĐ GTVT Trung ương V cho hay, sau thời gian cải tổ bộ máy, tuyển dụng nhân sự, trường đẩy mạnh liên kết đào tạo, mở ra nhiều hướng việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

GTVT1
Thầy Nguyễn Văn Tươi - Hiệu trưởng Trường CĐ GTVT Trung ương V, một trong những trường có cách làm mới được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao thời gian qua. Ảnh: Tấn Việt

Theo thầy Nguyễn Khắc Khiêm – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, việc tuyển sinh đạt tỷ lệ thấp có nguyên nhân do công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp còn hạn chế, việc dự báo nguồn nhân lực cần cho ngành GTVT chưa đạt như kỳ vọng khiến sinh viên thiếu thông tin; liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp giữa các trường chưa đồng đều.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao cách làm của một số trường trong thời gian qua như Trường CĐ GTVT Trung ương V, Trường ĐH GTVT TP.HCM…. Dù hiện tại còn khó khăn nhưng trong tương lai, với hướng đi mới đã định hình, các trường hoàn toàn tự tin về sự phát triển.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, nguồn nhân lực cần cho ngành GTVT thời gian đến là rất lớn, đặc biệt là ngành cơ khí giao thông khi hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng giao thông được triển khai từ Nam – Bắc. Vì vậy, các trường cần chủ động trong hợp tác trong – ngoài nước, hợp tác về con người, ứng dụng KH-CN đón đầu xu thế phát triển.

GTVT
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các trường thuộc Bộ cần ngồi lại với nhau, trao đổi, liên kết mở hướng phát triển trong tương lai. Ảnh: Tấn Việt

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu các trường đang là vấn đề sống còn, là nhiệm vụ trọng tâm số 1 trong năm 2018. Các trường cần thu hút thêm nữa giảng viên có kinh nghiệm, các thầy có tay nghề cao nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật giỏi.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Các trường cần ngồi lại với nhau, liên kết, trao đổi trong mọi mặt công tác để cùng nhau phát triển.

Năm 2016, số lượng tuyển sinh các trường – học viện thuộc Bộ GTVT là 57.525 học viên, đạt 91% chỉ tiêu. Năm 2017 (tính đến 30/6), các trường tuyển được 22.993 học viên, đạt 375 chỉ tiêu. Trong đó, chủ yếu là tuyển sinh trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, công tác tuyển sinh trình độ đại học đang được thực hiện do chưa có kết quả thi THPT Quốc gia 2017.

Ngoài ra, tính đến 30/6, đội ngũ giảng viên cơ hữu các trường là 3.288 người, tăng 20 người so với năm 2016. Trong đó có 3 giáo sư, 54 Phó giáo sư, 276 Tiến sĩ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.