Quản lý

Đẩy nhanh công tác GPMB cao tốc Bắc- Nam đoạn qua Khánh Hòa - Ninh Thuận

09/10/2019, 21:02

Đây là yêu cầu của đoàn công tác Ủy ban kinh tế của Quốc hội đối với tỉnh Khánh Hòa sau chuyến khảo sát tiến độ dự án.

img
Đoàn công tác Ủy ban kinh tế của Quốc hội khảo sát thực tế công tác triển khai cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 9/10, đoàn công tác Ủy ban kinh tế của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tiến độ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm qua 2 địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Cùng tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật.

Theo báo cáo của Ban QLDA Hồ Chí Minh, đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm, công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, cắm cọc GPMB hiện đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, đơn vị đã bàn giao 48,5/49,1km cọc GPMB cho tỉnh Khánh Hòa; 600m còn lại chưa bàn giao được do vướng đoạn qua hồ Tà Lương đang chờ tỉnh thống nhất điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh nút giao QL27. Ban cũng đã trình Bộ GTVT hồ sơ sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, thời điểm này, địa phương đã có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất tại huyện Diên Khánh. Cùng với đó, 3 địa phương đã rà soát và thống kê nhu cầu tái định cư (TĐC) đối với những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tại 3 địa phương sẽ có khoảng 167 hộ TĐC, trong đó, huyện Diên Khánh có 30 hộ, huyện Cam Lâm có 70 hộ và TP. Cam Ranh có 67 hộ.

img
Tham gia cùng đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá mấu chốt của dự án là công tác GPMB

“Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh có 92 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị giải tỏa trắng phải TĐC. Để bảo đảm tiến độ dự án, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, Sở đề nghị Bộ GTVT xem xét có hướng dẫn về chính sách, phương án xây dựng nhà ở cho các hộ này trong các khu TĐC”, ông Dần nói.

Tham gia cùng đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá mấu chốt của dự án là công tác GPMB. Thứ trưởng đề nghị địa phương phấn đấu đến tháng 12 sẽ hoàn thành thu hồi phần đất nông nghiệp, sau đó sẽ đến phần nhà đất ảnh hưởng trực tiếp của người dân.

“Chúng ta làm cao tốc là vì dân, vậy nên cần phải làm cẩn thận, không thể để việc xây dựng xong đường mà để lại hậu quả cho người dân địa phương. Các địa phương và Ban QLDA rà soát lại một lần nữa việc thiết kế kỹ thuật, cao độ các nút giao giữa cao tốc và đường địa phương để phù hợp với thực tế”, Thứ trưởng Nhật yêu cầu.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, các dự án đường cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nhưng đến nay công tác giải ngân đang rất chậm. Thứ trưởng Nhật dẫn chứng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm theo kế hoạch bố trí vốn hơn 100 tỷ nhưng chưa giải ngân được đồng nào. Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo năm nay được cấp 200 tỷ/600 tỷ tiền đền bù nhưng vẫn chưa giải ngân được. Hiện nguồn vốn GPMB đã có khi địa phương hoàn tất thủ tục là giải ngân ngay. Do đó các địa phương cần triển khai quyết liệt hơn nữa.

“Chúng tôi mong rằng các địa phương cần sớm thực hiện công tác GPMB để giải ngân dự án. Hiện các nhà đầu tư quan ngại nhất là mặt bằng vì mặt bằng kéo dài sẽ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Các đoạn tuyến cao tốc từ Nha Trang đến Vĩnh Hảo là phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc do đó các địa phương và các đơn vị liên quan phải quyết liệt triển khai sớm bàn giao mặt bằng sạch để khởi công các dự án”, Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh.

Tiến độ giải ngân công tác GPMB còn chậm

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài khoảng 55km, gồm 2 dự án thành phần: Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Dự án cao tốc đi qua địa bàn các địa phương: Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 862 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá tiến độ GPMB của địa phương so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ còn chậm.

“Tỉnh cần phải rà soát, làm việc với các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh hơn nữa vấn đề này. Đồng thời địa phương cũng không di dời người dân trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán. Các địa phương quản lý chặt chẽ mặt bằng hiện trạng khu vực dự án đi qua, tránh tình trạng xây dựng, lấn chiếm gây khó khăn cho công tác đền bù GPMB.

Về nguyên tắc, đoàn công tác đồng ý về việc hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, không để bà con bị thiệt và tôn trọng tập quán của đồng bào. Tuy nhiên địa phương cần phải rà soát và đưa ra chính sách cụ thể: nhà thiết kế như thế nào, bao nhiêu tiền… ", ông Kiên đề nghị.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng hai địa phương đã triển khai rất đồng bộ và quyết liệt, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc.

Công tác GPMB luôn là vấn đề khó khăn khi triển các dự án, tuy nhiên theo ông Kiên, tiến độ GPMB các đoạn tuyến cao tốc và công tác giải ngân vẫn còn chậm so với kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ yêu cầu. Tuyến cao tốc phía Đông, chính phủ yêu cầu phải hoàn thành cơ bản trong năm 2021, chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 6/2022. Từ đầu năm 2019 nguồn vốn đầu tư các dự án đã được chuyển về Bộ GTVT để thực hiện công tác dự án. Nhưng đến nay công tác giải ngân vẫn còn rất chậm, do vậy công tác triển khai GPMB phải được khẩn trương triển khai.

img
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng tiến độ giải ngân công tác GPMB qua 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận còn chậm chưa đạt yêu cầu.

Ông Kiên đề nghị các Ban QLDA phải phối hợp chặt chẽ với địa phương cần làm rõ khả năng giải ngân của năm 2019 tuyệt đối không để đọng trong công tác GPMB. Nếu đến 30/11 này nguồn vốn không được giải ngân thì Quốc hội sẽ điều vốn đi nơi khác. Đến cuối năm 2019 phải cơ bản bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để các Ban QLDA đủ điều kiện triển khai công tác đấu thầu sớm khởi công các đoạn tuyến cao tốc.

img
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng đoàn công tác khảo sát một vị trí nút giao trên tuyến cao tốc qua tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận cam kết hoàn thành GPMB cuối năm 2019

Trước đó báo cáo với Đoàn công tác ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết công tác GPMB và tái định cư phục vụ dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019. Trên cơ sở đo đạc đoạn tuyến qua tỉnh phải giải tỏa 445,74ha và ảnh hưởng 1.182 hộ và 26 tổ chức, trong đó diện tích rừng cần chuyển đổi là 81,26ha.

Ngoài ra, phải xây dựng 2 khu tái định cư ở huyện Ninh Sơn (1,74ha) và huyện Thuận Nam (2,09ha). Đến nay, UBND các huyện đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, hoàn thành công tác kiểm kê hiện trạng sử dụng đất, ban hành thông báo thu hồi đất đang tiếp tục thẩm định nguồn gốc đất.

img
Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tại buổi làm việc.

Theo ông Nam, qua thực tế triển khai đã phát sinh các khó khăn về công tác phối hợp giữa địa phương và Bộ GTVT trong việc lấy ý kiến thống nhất các vấn đề phát sinh như: điều chỉnh thiết kế một số vị trí tuyến do trường hợp bất khả kháng (tuyến đi qua nghĩa trang, các dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành đưa vào sử dụng) vấn đề vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ...

Để sớm giải quyết các vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư phục vụ dự án UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét ủy quyền cho Ban QLDA 85 được phép thay mặt Bộ thống nhất xử lý các vướng mắc, phát sinh để đẩy nhanh công tác GPMB đúng tiến độ. “Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành địa phương thực hiện hoàn thành công tác GPMB toàn bộ dự án để bàn giao Bộ GTVT, Ban QLDA 85 triển khai thi công chậm nhất đến tháng 12/2019”, ông Nam nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.