Xã hội

ĐBQH: "Dân nào làm hại bí thư, chủ tịch mà cần cảnh vệ?"

08/06/2017, 10:28

Không người dân nào lại manh động làm hại đến lãnh đạo như bí thư, chủ tịch tỉnh nên không cần cảnh vệ.

Luat Canh ve trang bi canh ve cho bi thu chu tich

ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Đó là vấn đề được ĐBQH đặt ra trước ý kiến của một số địa phương đề nghị đưa cả bí thư, chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ, là người được áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt.

Trước đó, trong phiên thảo luận về Dự án Luật cảnh vệ, khi một số ĐBQH đề nghị quy định thêm đối tượng cảnh vệ, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh, đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng những đối tượng được quy định trong luật đã là hợp lý, nếu thêm đối tượng này thì cũng cần thêm đối tượng khác, trong khi việc mở rộng đối tượng cảnh vệ sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề.

LÃNH ĐẠO CẤP CAO ĐƯỢC BẢO VỆ THẾ NÀO?

Thượng tướng Võ Trọng Việt cho hay, thậm chí sau sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều địa phương đề nghị quy định bổ sung bí thư, chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, làm lãnh đạo, đặc biệt những lãnh đạo ở địa phương phải là người gần dân nhất, như thế mới được dân yêu quý.

Với kinh nghiệm làm lãnh đạo địa phương của mình (ông Vân từng là Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương-PV), ông Vân khẳng định, với nhân dân thì dù lãnh đạo tốt hay xấu, dân cũng không bao giờ manh động làm hại đến lãnh đạo.

Vị ĐBQH này cũng đặt ra một vài tình huống có thể đe doạ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của lãnh đạo địa phương. Thứ nhất, các đối tượng tìm cách tiếp cận lãnh đạo địa phương để gây ra những hành vi mất an toàn phần lớn là do thù hằn cá nhân hoặc do bất mãn. Trong trường hợp ấy, lãnh đạo địa phương phải xem những quyết sách trong lãnh đạo, điều hành của mình đã hợp lòng dân chưa, có gây mâu thuẫn không, có tạo ra lợi ích nhóm hay không.

Thứ hai, cũng có thể có tình huống khi một vị lãnh đạo quyết tâm thay đổi nền tảng lãnh đạo, quản lý, điều hành nhưng lại thay đổi theo nghĩa tiêu cực, việc thay đổi ấy không hợp lòng dân, gây thù chuốc oán... Khi ấy, người lãnh đạo thường lo sợ bị tấn công.

Cũng có khả năng người lãnh đạo mạnh dạn thay đổi những tiêu cực đang tồn tại, làm việc với tư duy đổi mới, không để cho lợi ích nhóm tồn tại..., khi ấy, phe tiêu cực cũng có thể tấn công, đe doạ họ.

Khả năng thứ ba ít xảy ra là các lực lượng phản động tìm cách tiếp cận để phá hoại, nhưng với lãnh đạo địa phương, ông Vân vẫn cho rằng không cần thiết có cảnh vệ, vì thế lực thù địch nếu tấn công sẽ tiếp cận nhằm vào các đối tượng lãnh đạo cấp cao như dự thảo Luật Cảnh vệ quy định.

“Vấn đề quan trọng nhất, nếu lãnh đạo được lòng dân thì dân sẽ che chở cho anh. Tôi từng là cán bộ luân chuyển tôi biết, khi mình hết lòng vì dân và chia sẻ với dân thì dân sẽ bảo vệ mình thôi. Dân là người cảnh vệ tốt nhất”, ông Vân nhấn mạnh.

Luat canh ve Luu Binh Nhuong

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đồng tình quan điểm trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, bí thư, chủ tịch tỉnh có thể là đối tượng bảo vệ, nhưng bảo vệ và cảnh vệ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu xếp bí thư, chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ thì tức là được xếp ngang hàng với những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, như vậy không hợp lý.

“Có một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị từng kể câu chuyện mà tôi cứ nhớ mãi, đồng chí ấy nói với các anh em cảnh vệ “các cậu không bảo vệ được tớ đâu, nhân dân mới là người bảo vệ tớ”, ông Nhưỡng chia sẻ.

"Với quy định hiện tại, chúng ta quy định Chủ tịch tỉnh tiếp dân một năm hai lần nhưng lại có người không tiếp dân lần nào, đó là một thực tế đáng buồn và cũng được đưa vào báo cáo của Ủy ban Dân nguyện trình ra trước Quốc hội", ông Nhưỡng cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.