Rào chắn kẽ hở, chặn đường lợi dụng
Sáng 25/10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, trình tự thủ tục để tiến hành tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ hiện còn kẽ hở. Kẽ hở đó tạo cơ hội cho những kẻ không đủ tiêu chuẩn lọt lưới vào bộ máy, rồi người có thẩm quyền lợi dụng kẽ hở đó để hợp thức hoá việc đưa người thân, người nhà, thân hữu của mình vào bộ máy.
“Giờ phải phát hiện ra kẽ hở đó để rào chắn lại, để kẻ cơ hội hết đường lợi dụng. Bên cạnh đó phải có chế tài thật nghiêm khắc để trừng trị, làm gương cho những người có ý định lạm dụng kẽ hở của pháp luật để đưa thân tín vào bộ máy lãnh đạo’, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lê Thanh Vân, phải minh bạch khi thi tuyển. Các chức vụ như trưởng cơ quan của hệ thống điều hành phải tinh thông về luật pháp để vận hành bộ máy. Người thẩm định, xác minh hồ sơ, đề xuất, tiến cử chịu trách nhiệm một phần. Người bổ nhiệm chịu trách nhiệm toàn bộ nhân sự do mình bổ nhiệm.
Có lạm dụng ở khâu nào thì tùy theo mức độ lỗi mà có chế tài xử lý thích hợp. Nếu lỗi đó chỉ là lỗi do vi phạm hành chính thì xử lý bằng các hình thức kỷ luật như giáng cấp, buộc thôi việc, cách chức. Nặng hơn đủ cấu thành hình sự thì xử bằng luật hình sự. Phải xử nghiêm mới đủ sức răn đe.
Với các chức vụ do bầu cử mà ra, thì phải có chương trình, kế hoạch hành động. “Nếu như anh trúng cử, anh phải đưa ra được dự kiến công việc cho cơ quan bầu ra anh, thấy được giữa anh và người khác ai khả thi hơn để chọn. Và khi được bầu xong, chương trình đó được coi như bản cam kết để thực hiện theo lộ trình”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Ví dụ một bộ trưởng có chương trình hành động thuyết phục, Quốc hội bầu, bộ trưởng nói trong nhiệm kỳ 5 năm tới làm được việc gì, lộ trình từng năm làm gì. Căn cứ vào lộ trình đó các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát. Hết năm thứ nhất mà trong lộ trình cam kết bộ trưởng không làm được việc thì đề nghị từ chức, nhường người khác tài năng hơn. Quốc hội thấy bộ trưởng không làm được việc nhưng không chịu từ chức thì sẽ bãi chức luôn.
Xử lý cả những người tiếp tay
Trường hợp cụ thể ở Đắk Lắk, chỉ một nhân viên gội đầu dùng bằng của người khác thăng tiến qua nhiều vị trí, qua nhiều khâu kiểm tra nay mới phát hiện ra, ông Lê Thanh Vân nhìn nhận, việc này chẳng khác gì đưa hàng giả vào chuỗi lưu thông. "Hàng giả" ở đây là nhân sự giả, không đáp ứng yêu cầu của cán bộ.
“Trường hợp ở Đắk Lắk có sự lạm dụng hợp thức hóa tiêu chuẩn bằng cấp nên “lọt lưới” từ khi có bằng đi mượn, cơ quan xác minh, thẩm tra của cơ quan tổ chức không làm đến nơi đến chốn”, đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.
Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, với trường hợp này, bên cạnh xử lý nữ trưởng phòng sai phạm, còn cần phải xem xét hành vi của từng người liên quan, xác định rõ xem bắt đầu từ đâu. Đương nhiên nhân sự đó cố ý làm trái rồi nhưng ai tiếp tay cho họ, ai hợp thức hóa cho họ, thì phải xem xét trách nhiệm của từng người.
Ông Vân cho rằng, quy trình của ta về cơ bản là tốt, có thể có kẽ hở nhưng không đáng kể. “Việc quan trọng là kẻ lạm dụng quyền lực thì có muôn phương vạn kế để dối trá, luồn lách các quy định để hợp thức hóa theo ý muốn của mình”. Do đó, không chỉ “rào chắn kẽ hở của quy trình”, mà cần phải xử nghiêm kẻ chủ mưu, đồng phạm trong các vụ “nâng đỡ không trong sáng”.
“Khi sự việc xảy ra thường đổ lỗi cho tập thể, nhưng thực ra là có bàn tay đạo diễn của người đứng đầu”, ông Vân nói.
Sáng 24/10, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê cho biết: Tỉnh uỷ đã có văn bản đề nghị tất cả các cơ quan rà soát lại hồ sơ cán bộ công chức. Ngày 25/10, là hạn chót các đơn vị báo cáo bước đầu và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả rà soát của mình.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về việc xử lý cán bộ sử dụng bằng cấp giả, ông Y Biêr Niê cho rằng, “phải nghiêm trị” nếu “phát hiện ra các công chức dùng bằng cấp không đảm bảo vào các cơ quan nhà nước”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận