Ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2019.
Theo đó, hàng loạt vấn đề cần có giải pháp gấp được đại biểu kiến nghị như giải ngân đầu tư công rất chậm, kiểm soát lạm phát có nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp giải thể và dừng họat động…
Liên quan tới vấn đề giải ngân chậm, đại biểu Nguyễn Minh Đức dẫn chứng, năm 2018 có tới gần 60 nghìn tỷ đồng chưa được giải ngân. “Mặc dù Chính phủ đã họp và chỉ ra những mấu chốt trong vấn đề này, trong đó có nguyên nhân từ con người. Tuy nhiên, một bộ phận có trách nhiệm trong vấn đề này vẫn yếu về năng lực, còn tình trạng thiếu trách nhiệm, vòi vĩnh…Đây là điều cần phải khắc phục ngay”, ông Đức nói.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Chương nhận xét, tình trạng có tiền mà không sử dụng được đã kéo dài nhiều năm, lặp đi lặp lại, gây ách tắc trong triển khai dự án trọng điểm. “Việc giải ngân vốn cho các công trình giao thông trọng điểm là rất cấp bách, nhưng tại sao bị chậm? Chẳng hạn dự án Đường sắt đô thị TP.HCM, dưới thì rất cần, bên trên Thủ tướng cũng đã đồng ý nhưng vướng mắc thủ tục nên vẫn bị chậm. Chính phủ cần quyết liệt trong vấn đề này. Theo tôi các dự án trọng điểm đã đề ra lộ trình thì cần làm đúng để không làm mất lòng tin của dân”, đại biểu Chương nêu ý kiến.
Theo nữ đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, từ khi làm đại biểu Quốc hội đến nay, năm nào bà cũng đọc thấy nội dung giải ngân chậm. “Có hay không chuyện thiếu vốn, nên giải ngân chậm? Hay do thủ tục phức tạp hoặc việc bố trí vốn chưa phù hợp? Chính phủ cần có báo cáo Quốc hội đánh giá hiệu quả về đầu tư công thời gian qua”, bà Tuyết kiến nghị.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng thẳng thắn bày tỏ chưa tán thành với phân tích nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ như thủ tục giải ngân rườm rà hoặc một số nội dung khác "đổ lỗi" do quy định pháp luật chưa hợp lý. "Cần nhìn nhận chính xác hơn lý do, nếu năm 2016-2017, khó khăn giải ngân đầu tư công có thể do thủ tục nhưng tới năm 2018-2019, không thể đổ lỗi như vậy bởi các thủ tục đã hoàn tất. Thực tế là do việc giao vốn của nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Ngoài ra, năng lực thực hiện của tổ chức, cá nhân được giao còn hạn chế", bà Mai nhận định và kiến nghị nên xem xét trách nhiệm các đối tượng liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận