Xã hội

ĐBQH: Cán bộ y tế khám 1 bệnh nhân được 27 nghìn, còn bị trừ ngược xuôi

29/05/2023, 11:19

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, phát triển y tế dự phòng đang gặp khó khăn lớn về nhân lực, thu nhập.

Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

img

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (đoàn Bình Định) cho rằng, nên xét công bố hết dịch Covid-19.

"Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch Covid-19 khi đã đủ điều kiện về tỉ lệ bệnh nặng, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, dịch bệnh Covid-19 có thể được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác.

Ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế chuẩn bị nội dung, chương trình, phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức họp công bố kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.

"Trải qua 3 năm chống dịch, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Chúng ta không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp trong xã hội chung tay chống dịch. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành rất tốt, trong thời gian rất ngắn như thành lập quỹ vaccine, tiêm vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến", ông Hiếu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, khi hết dịch vẫn có nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học kinh nghiệm xương máu. Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các loại dịch khác.

Ông Hiếu đề nghị Bộ Y tế giao cho các bệnh viện, địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, cho tặng.

Khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi

Về phát triển y tế dự phòng, theo ông Hiếu đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Khó khăn nổi trội nhất vẫn là nhân lực, thu nhập và chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

"Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không có ai biết sử dụng thì cuối cùng lại lãng phí rất lớn", ông Hiếu nói.

Theo vị đại biểu, trạm y tế xã có hai nhiệm vụ. Thứ nhất là dự phòng, tiêm chủng, phòng chống dịch, tuyên truyền. Thứ hai là điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu - cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên khó khăn bội phần so với trước.

Ông cho rằng, dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở đủ sức tồn tại và phát triển. Sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã phường.

"Không có lý gì cùng một bệnh nền nếu chữa ở xã chỉ được sử dụng thuốc hạ huyết áp giá 100 đồng. Trong khi đó nếu lên huyện, lên tỉnh thì được sử dụng thuốc đắt tiền hơn. Ngoài ra, một đêm trực tiền thù lao không đáng là bao, khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi", ông Hiếu nêu vấn đề, từ đó, đặt câu hỏi: Làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị?

Theo đại biểu, nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường.

Với từng địa phương cũng cần có kế hoạch chi tiết tới từng trạm y tế, không mặc đồng phục cho tất cả hệ thống trạm y tế. Ví dụ với một trạm trưởng giỏi về siêu âm cần đầu tư máy để họ phát huy khả năng của mình, một y sĩ giỏi châm cứu cũng cần có phương tiện chuyên biệt để họ triển khai, một trạm y tế vùng cao không thể trang bị như một trạm y tế cách bệnh viện huyện vài km.

Ngoài ra, đại biểu Hiếu cho rằng, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

img

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng)

Đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực để phát triển y tế cơ sở

Tham gia thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân, nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước.

"Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện", đại biểu Tú Anh nói.

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.