Xã hội

ĐBQH chất vấn cách tính giá điện, Bộ trưởng Công thương trả lời ra sao?

21/08/2024, 11:27

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, đang đề xuất dự thảo về tính giá điện nhằm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách Nhà nước khi số điện chưa vượt quá chỉ số 30 kW/h.

Hạ bậc tính giá điện nhằm hỗ trợ người nghèo

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Hòa liên quan đến vấn đề tính biểu giá điện bậc thang, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, phương pháp tính biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả quốc gia, nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

ĐBQH chất vấn cách tính giá điện, Bộ trưởng Công thương trả lời ra sao?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 21/8. Ảnh: Quochoi.vn.

"Riêng lĩnh vực điện, càng sản xuất ra điện thì càng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu. 

Theo ông, cách tính như trên còn nhằm nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, theo Nghị định số 28/2014, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung nghị định.

Bộ trưởng Bộ Công thương nói thêm, trong dự thảo trình Chính phủ sáng nay (21/8), cơ quan soạn thảo đề xuất giảm từ 6 bậc còn 5 bậc tính giá điện.

"Bậc đầu tiên là nâng từ 0-50 kW/h đến 0-100 kW/h, như vậy kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa đã được tiếp thu và trình lên Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, đề xuất trong dự thảo nêu trên nhằm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách Nhà nước khi số điện chưa vượt quá chỉ số 30 kW/h (bậc thang thứ nhất).

Bên cạnh đó, nhằm xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về tính biểu giá điện bậc thang còn đề xuất điều chỉnh khung giá của các đối tượng sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

"Một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá điện trong lĩnh vực dịch vụ, sinh hoạt đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện", ông Nguyễn Hồng Diên bổ sung.

Về vấn đề thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn sử dụng điện, ông Diên lý giải, đây là quy định của ngành thuế nhằm đáp ứng mọi hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch.

"Cho nên việc có bỏ được thuế tiêu thụ đặc biệt trong hóa đơn tiền điện hay không, tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ giúp trả lời câu hỏi này", Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh thêm.

ĐBQH chất vấn cách tính giá điện, Bộ trưởng Công thương trả lời ra sao?- Ảnh 2.

ĐBQH tham gia phiên chất vấn sáng 21/8. Ảnh: Quochoi.vn.

ĐBQH: Cách tính giá điện đang bất hợp lý?

Đối với ý kiến của một số ĐBQH cho rằng cách tính giá điện đang bất hợp lý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến không đồng tình. Ông khẳng định, trong vấn đề tham mưu chính sách về giá điện, Bộ đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn sử dụng điện là không hợp lý

Tham gia phiên chất vấn và nói về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, đảm bảo sự bền vững cho tài chính công, trang trải cho hoạt động của bộ máy nhà nước, an sinh xã hội, hạ tầng công và an ninh quốc phòng.

"Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề liên quan đến giá cả thị trường sẽ không hợp lý", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận.

Theo ông, trên thực tế, phát sinh từ những khó khăn như dịch bệnh... trong 5 năm qua, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, quy định về thuế VAT giảm 10% cũng đã tồn tại hơn 25 năm nay.

Đối với các tính giá điện bậc thang, Bộ Tài chính đánh giá, quy định hiện hành nêu 6 bậc. Trong đó, với điện sinh hoạt đã có quy định ưu tiên cho những hộ nghèo, gia đinh chính sách... Đồng thời, bậc 1 cũng đã ưu tiên cho các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.

Từ những cơ sở phân tích nêu trên, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn sử dụng điện là không hợp lý.

Theo đó, điện là mặt hàng phải đảm bảo bình ổn giá. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán và cung ứng điện đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc giá, nên phải mua theo cơ chế giá thị trường.

"Nhưng đầu ra thì phải đảm bảo bình ổn giá vì có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nghề khác", ông Diên chỉ ra và cho biết dẫn đến có sự chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra. Có thời điểm mức chênh lệch là từ 208-216 đồng/1 KWh.

Còn về vấn đề làm sao để cho EVN không bị lỗ trong tương lai, ngành công thương đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Điện lực sẽ trình trong kỳ họp tháng 10/2024 theo hướng sẽ bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện.

Hiện, Chính phủ cũng đã có quyết định chính thức đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về trực thuộc Bộ Công thương. Điều này sẽ đảm bảo được tính công bằng, minh bạch trong việc vận hành hệ thống điện giữa các doanh nghiệp phát điện và bên sử dụng điện.

Mặt khác, Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời sắp ban hành nghị định khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái. Đây là những bước được kỳ vọng làm cho thị trường điện tại Việt Nam hoàn hảo hơn.

"Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong dự thảo Luật Điện lực cũng như dự thảo sửa đổi nghị định, quy định hiện hành", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói rõ.

Có tình trạng cán bộ quản lý thị trường bảo kê sai phạm

Đối với băn khoăn của ĐBQH về tình trạng hiện nay, có một bộ phận cán bộ trong lĩnh vực quản lý thị trường bảo kê cho người có hành vi sai phạm, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận "chuyện đó là hoàn toàn chính xác".

Ông lý giải, cán bộ quản lý thị trường hoạt động theo đơn vị và tuyến, từng người trên từng vị trí có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không, xác định hành vi đó vi phạm pháp luật hay không.

ĐBQH chất vấn cách tính giá điện, Bộ trưởng Công thương trả lời ra sao?- Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi.vn.

"Vì tính chất công việc của lực lượng này, ngành công thương đã chỉ đạo phải thường xuyên luân chuyển địa bàn công tác của cán bộ phụ trách địa bàn, quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Tiếp đó, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm. Thời gian qua, có hàng chục cán bộ đã bị cơ quan chức năng xử lý do có sai phạm.

Ban hành kế hoạch dự trữ xăng dầu

Tiếp tục trả lời đại biểu về tiêu thụ xăng dầu và kế hoạch dự trữ nguồn năng lượng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án dự trữ xăng dầu, nâng từ 440 nghìn lên gần 900 nghìn m3 (tức nâng gấp 2 lần khả năng dự trữ).

"Trong quyết định mới, chúng ta không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ dầu thô là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước", người đứng đầu Bộ Công thương nhấn mạnh.

Chính phủ cũng phê duyệt quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia và kế hoạch đã được triển khai đến các địa phương. Theo đó, kế hoạch sẽ đảm bảo vừa đầu tư từ phía nhà nước đồng thời đầu tư từ doanh nghiệp, cá nhân.

"Quan trọng nhất là phải sửa đổi biểu giá thuê và cho thuê hạ tầng. Nếu biểu giá thuê quá thấp so với mặt bằng giá thị trường thì sẽ không đủ khuyến khích đối tượng nào tham gia", ông Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Cũng trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.

Theo Bộ trưởng, gian lận thương mại là một đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Đây là yêu cầu cao với Chính phủ và là thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian tới, Bộ chủ quản và các Bộ, ngành liên quan cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về nội dung này, nhất là các cơ chế xử phạt các hành vi gian lận trong thương mại, kể cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử.

Hiện, Bộ Công thương đã xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra kiểm tra. Đồng thời, triển khai hiệu quả thực hiện đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tiếp tục xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu đối với các cơ quan chức năng để giám sát tốt hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử; làm tốt thông tin truyền thông để người dân tự bảo vệ mình trong môi trường kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.