Xã hội

ĐBQH kiến nghị gỡ vướng thể chế, khơi thông vốn cho hạ tầng giao thông

30/05/2019, 15:21

Thảo luận về kinh tế xã hội, nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại việc thiếu vốn ảnh hưởng tới tiến độ các dự án hạ tầng giao thông.

img
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình)

Quy trình thủ tục “cản” tiến độ giải ngân

Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội. Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy giải ngân, khơi thông dòng vốn cho hạ tầng giao thông là vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm.

Khẳng định giao thông đi đến đâu là kinh tế - xã hội phát triển đến đó song ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng nhấn mạnh: Việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông còn nhiều bế tắc vì vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư cũng cực kỳ khó khăn vì quy trình thủ tục quá phức tạp. Cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông còn chưa thông thoáng.

“Chính phủ, các cơ quan Trung ương cần quyết liệt hơn trong việc cải cách thể chế, không chỉ là thủ tục hành chính mà quan trọng hơn là cơ chế chính sách đồng bộ, thông thoáng, khả thi, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn và tăng hậu kiểm; Sớm xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở tất cả các loại hình”, ĐB Tuân kiến nghị.

img
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bố trí trên 2.000 tỷ đồng ngân sách trung ương để hỗ trợ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng đề nghị khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ chế chính sách đến các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia có quy mô lớn, có sức lan tỏa nhanh như dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án thu hồi đất sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận….

Đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng cho hay Chính phủ đã giao cho tỉnh Tiền Giang nhận chuyển giao dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận từ Bộ GTVT. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngân sách trung ương bố trí trên 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện dự án. Từ đây, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn chỉnh các thủ tục để trình Thủ tướng giao đủ nguồn kinh phí trên đảm bảo cho dự án thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành vào năm 2020.

Cũng quan tâm đến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến, hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long được các cấp các ngành tập trung đầu tư xây dựng góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Tuy nhiên, do sự kết nối quy hoạch đầu tư giữa các tỉnh nên nhiều dự án giao thông quan trọng được đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng vì thiếu sự kết nối liên vùng.

“Sau khi cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thông xe, không còn cảnh lụy đò nhưng rơi vào cảnh lụy đường do tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chưa thực hiện xong, tuyến đường hiện hữu quốc lộ 30 nối quốc lộ 1 đến Cao Lãnh rất hẹp, xuống cấp tạo thành nút thắt cổ chai nên chưa thể phát huy hiệu quả toàn tuyến, giao thông liên vùng từ Đồng Tháp đi An Giang, Kiên Giang thường xuyên bị ách tắc”, ĐB Hoà thông tin và đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận- Cần Thơ, ngã ba An Hữu - Tiền Giang đến Cao Lãnh - Đồng Tháp, nâng cấp Quốc lộ N2, tuyến cao tốc thứ hai từ TP.HCM về miền Tây, từ Đức Hòa (Long An) đến Cao Lãnh (Đồng Tháp)...

Về nguồn vốn, đại biểu đề nghị kết hợp ngân sách trung ương và một phần vốn ngân sách địa phương, ngoài ra cần huy động vốn ODA và các nguồn tài trợ khác…

Đề nghị sớm bố trí vốn đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Lạng Sơn, Trà Lĩnh - Cao Bằng

Chia sẻ thực tiễn Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn nhất cả nước, tồn tại nhiều điểm nghẽn, cản trở sự phát triển, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn để sớm triển khai cao tốc Đồng Đăng - Lạng Sơn, Trà Lĩnh - Cao Bằng nhằm giải quyết điểm nghẽn và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.

Thông tin thêm, ĐB Đức cho biết tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường bộ Trà Lĩnh - Cao Bằng và Đồng Đăng - Lạng Sơn trong giai đoạn 2016 - 2020 theo hình thức đối tác công tư PPP, trong đó ngân sách trung ương đóng góp 20%, nhà đầu tư 60%, tỉnh Cao Bằng 20%.

ĐB Đức cũng đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn về tín dụng nhằm đảm bảo việc cho vay các dự án PPP trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt đối với dự án cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn làm cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.