Xã hội

ĐBQH lo cao tốc Bắc-Nam trễ tiến độ nếu thiếu cơ chế triển khai đủ mạnh

10/01/2022, 16:58

Nhiều ĐBQH tán thành sự kịp thời, phương thức đầu tư công cho dự án cao tốc Bắc - Nam và đề xuất có cơ chế đặc thù đủ mạnh để kịp tiến độ dự án.

Dự án cao tốc Bắc - Nam rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế

Chiều nay (1/10), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

img

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Nhất trí với tính cấp thiết của chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) phân tích, về mặt kinh tế, xây dựng cao tốc Bắc – Nam góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Lộc nhận định, một trong những điểm nghẽn chính khiến năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao do sự yếu kém của kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng.

"Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia", ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng ý với đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc lưu ý, chất lượng công trình sẽ quyết định có hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân nhận nhượng quyền hay không, do đó phải đặc biệt quan tâm chất lượng dự án.

Tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phân tích, hiện nay khó huy động vốn từ tư nhân, bởi toàn bộ các dự án vì có mức đầu tư lớn (10 dự án trên 10.000 tỷ đồng), thời gian thu hồi vốn kéo dài, kinh tế xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, lượng xe lưu thông cũng hạn chế...

"Vì nhà đầu tư họ tính toán hiệu quả không cao mà rủi ro lại có thể nhiều hơn. Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài thời gian không đạt mục tiêu hoàn thành của dự án. Việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho nhà nước, là ý tưởng hoàn toàn có thể được. Tôi đề nghị Quốc hội đồng thuận để Chính phủ triển khai thực hiện từ lúc này", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa đề xuất, Chính phủ cần có tính toán nhượng quyền thu phí sau này, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay. Nhưng với điều kiện các dự án này khi chuyển nhượng phải thu phí không dừng.

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Cần cơ chế đặc thù đủ mạnh

Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, đây là dự án lớn, lại cần thiết triển khai trong thời gian ngắn, nên cần những cơ chế đặc thù. Như về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, do quy mô dự án lớn và có ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo địa phương trong vùng dự án đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, hạn chế đến mức thấp nhất việc khiếu kiện của người dân kéo dài sẽ khó khăn cho toàn dự án.

Về cơ chế chính sách trong đầu tư, đại biểu đến từ Đồng Tháp đề nghị Chính phủ có thể phân cấp cho Bộ GTVT trong công tác thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư. Việc phân cấp này cũng phù hợp chủ trương phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, trách nhiệm của các ngành, các cấp.

"Với cơ chế phân cấp này, về trình tự thủ tục phê duyệt dự án sẽ giảm một cấp thẩm định phê duyệt, tiến độ dự án sẽ nhanh hơn", ông Hòa nói.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, dự án đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào 2025, nên việc triển khai 12 dự án giai đoạn này khó thực hiện kịp nếu không có cơ chế đặc thù đủ mạnh.

Đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, giao địa phương thực hiện và quan tâm bố trí ngân sách đảm bảo cũng như cơ chế đặc thù, nhất là về mặt thủ tục để thực hiện dự án.

Về các mỏ nguyên liệu, đại biểu Gia cho rằng, nếu địa phương không có sự vào cuộc quyết liệt trong chuẩn bị phương án cho thi công thì cũng gây khó khăn cho việc đảm bảo tiến độ dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.