Xã hội

ĐBQH lo nguy cơ tôn tạo lại thành "làm mới" di tích, lợi bất cập hại

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay không phải tất các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần trùng tu, tôn tạo. Nếu đặt mục tiêu tu bổ, tôn tạo triệt để có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ, lợi bất cập hại.

"Việc phân bổ nguồn lực tu bổ, tôn tạo dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm"

Sáng 1/11, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đóng góp vào dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH Hải Dương) cho rằng cần cân nhắc kỹ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt, tương tương khoảng 127 di tích và 70% di tích Quốc gia tương đương khoảng 2.542 di tích được tu bổ tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia".

ĐBQH lo nguy cơ tôn tạo lại thành "làm mới" di tích, lợi bất cập hại- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH Hải Dương) góp ý tại nghị trường.

Theo đại biểu Nga, các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với đặc điểm vật liệu xây dựng là gỗ, vôi vữa, trải qua nhiều năm, với sự tác động của khí hậu, thời gian, chiến tranh và cả của con người nên đa số đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo.

Tuy nhiên, không phải tất cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ.

Hơn thế, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nên nhiều di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt được tu bổ, tôn tạo.

Đặc biệt là giai đoạn 2012 - 2015, chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá với mục tiêu cụ thể là: Hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho 1.200 đến 1.500 di tích quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện chống xuống cấp, tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ cấp thiết 400 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Sau đó các địa phương và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hằng năm vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích.

Như vậy, hiện nay không phải tất các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần trùng tu, tôn tạo cho nên nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến hai lo ngại.

Trước hết, việc tu bổ, tôn tạo triệt để như vậy có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ và "lợi bất cập hại" ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành "làm mới" di tích như đã từng xảy ra.

Hơn nữa, bà Nga đánh giá việc phân bổ nguồn lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm cho nên tôi đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia các di tích quốc gia đặc biệt đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo.

Các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo.

Đề nghị làm rõ số liệu, tính khả thi

Cùng góp ý tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ số liệu và tính khả thi đối với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo. 

Theo bà, điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. 

ĐBQH lo nguy cơ tôn tạo lại thành "làm mới" di tích, lợi bất cập hại- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mặt khác, hiện nay có hơn 130 di tích quốc gia đặc biệt và con số này theo tôi được biết là còn tăng lên qua các đợt xét công nhận theo từng năm. 

Từ phương diện di tích, tôi đề nghị phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng số liệu, hiện trạng di tích, di sản và các nội dung đưa vào mục tiêu cụ thể để không chỉ đảm bảo tính bao quát mà còn thể hiện được tính dự báo về cả các di tích, di sản có thể được xếp hạng và cả nguồn lực phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản được nâng hạng, nhất là hạng đặc biệt.

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc xác định lại chỉ tiêu về tu bổ tôn tạo di tích.

ĐBQH lo nguy cơ tôn tạo lại thành "làm mới" di tích, lợi bất cập hại- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình.

Bộ trưởng thừa nhận, khi đọc qua như vậy sẽ dễ thấy chỉ tiêu di tích, di sản cần duy tu, nâng cấp rất lớn. Vấn đề này đã được một số tờ báo đề cập trong kỳ họp thứ 7 vừa qua. Tuy nhiên, mục tiêu này được đặt ra không phải theo tính toán cơ học mà bằng phương pháp tịnh tiến.

"Theo đó, chúng tôi đã xem xét các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã được đầu tư trong giai đoạn trước đây và trong nhiệm kỳ này để phấn đấu khi kết thúc vào năm 2030, chúng ta duy tu, tôn tạo được 95%.

Những người làm chương trình hiểu và đưa ra mục tiêu như vậy. Nhưng nếu đọc qua 95% và nhân lên với số liệu 133 di tích quốc gia đặc biệt hiện nay, ra số gần 100 di tích cần nâng cấp là chưa đúng ý", ông Hùng nói.

Do đó để tránh sự hiểu lầm, Bộ trưởng Bộ Văn Hoá cho biết sẽ tiếp thu ngay và chỉnh lý, viết thẳng số lượng di tích xuống cấp để làm, không đưa mục tiêu 95% như dự thảo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.