Hạ tầng

ĐBQH mong làm nhanh 3 cao tốc, 2 đường vành đai

03/06/2022, 06:30

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 3 DA cao tốc, 2 đường vành đai Hà Nội và TP.HCM.

Chia sẻ với Báo Giao thông bên hành lang, nhiều ĐBQH bày tỏ ủng hộ và cho rằng, việc sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm này không chỉ giúp kết nối các địa phương trong vùng mà còn góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Muốn xã hội hóa, phải tạo cơ chế hút nhà đầu tư

img

Trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện thì việc Chính phủ trình Quốc hội 3 dự án cao tốc và 2 dự án đường vành đai là hết sức cần thiết và có tính cấp bách.

Các dự án đường cao tốc có vai trò hết sức quan trọng trong kết nối giao thông liên vùng, phát triển logistics, kết nối các tỉnh, thành để có sự hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó cũng sẽ giúp giảm tải, giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội và TP.HCM. Tôi mong muốn Quốc hội sớm thông qua để dự án nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Nguồn vốn từ ngân sách đầu tư công trung hạn gặp nhiều khó khăn, trong khi các dự án cao tốc đòi hỏi suất đầu tư công rất lớn nên cần kêu gọi xã hội hóa tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BT, BOT.

Tại Tờ trình, Chính phủ trình có đưa ra các hình thức đầu tư, có dự án đầu tư công, có dự án vừa đầu tư công vừa xã hội hóa. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với tình hình ngân sách hiện nay.

Tuy nhiên, nếu kêu gọi xã hội hóa cần đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Trước đây cũng đã có nhiều dự án cao tốc có hình thức đầu tư xã hội hóa nhưng kêu gọi đầu tư khó khăn nên đã chuyển sang đầu tư công.

Vì thế, việc hỗ trợ vốn, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính... để nhà đầu tư thấy có lợi khi tham gia là hết sức cần thiết.

Từ thực tế một số dự án cho thấy, muốn thực hiện nhanh, ngay từ đầu phải làm tốt khâu GPMB. Nếu chỗ này thông, chỗ khác vẫn vướng thì chắc chắn sẽ không thể giải ngân, dự án sẽ tắc.

Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt Quốc hội phải bàn. Các địa phương phải vào cuộc sao cho các dự án này trơn tru, thực hiện theo đúng nghị quyết nếu Quốc hội thông qua.

ĐB Hoàng Văn Cường (Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Tốc độ giải ngân đầu tư công là vấn đề nan giải

img

Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng, tạo ra tính chất liên kết vùng, các tỉnh trong vùng Thủ đô sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, đô thị.

Theo dự kiến vào ngày 6/6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc và 2 đường vành đai Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể là các dự án: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo tờ trình của Chính phủ, 3 dự án cao tốc được xác định rất quan trọng nhằm tạo ra sự kết nối cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và giảm tải giao thông cho QL51. Dự kiến, tổng nguồn vốn cần hơn 84.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều ĐBQH biểu kỳ vọng, các dự án này sẽ tạo bứt phá về hạ tầng giao thông, giúp các địa phương tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý, cùng một lúc thực hiện 5 dự án lớn, cần tính đến khả năng đáp ứng nguồn vốn để tránh tình trạng dàn trải, kém hiệu quả, chậm tiến độ, gây lãng phí.


Với 3 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chính phủ đề xuất bố trí nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn vốn này chỉ được thực hiện trong năm 2022 và 2023, như vậy nếu mà các dự án này không triển khai được trong 2 năm này thì sẽ không sử dụng được nguồn vốn đó. Cho nên việc đẩy nhanh triển khai 3 dự án cao tốc này là cấp bách.

Thời gian qua, dù vướng mắc trong Luật Đầu tư công đã được tháo gỡ nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn không được cải thiện, vẫn là vấn đề nan giải.

Để giải quyết tình trạng này, cần trao quyền cho người có trách nhiệm nhằm phát huy tính chủ động. Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội xem xét một số cơ chế đặc thù như tách hợp phần đền bù GPMB khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Khi triển khai thi công dự án sẽ không bị gián đoạn do chậm GPMB. Quan trọng hơn, việc tách như vậy sẽ dễ dàng kêu gọi đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Đồng thời, cho phép lựa chọn áp dụng các quy định pháp luật phù hợp nhất trong quá trình chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Nếu như vấn đề nào chưa có quy định thì được quyền lựa chọn các quy định tương đồng, gần nhất, thuận lợi nhất.

Nếu có nhiều quy định cùng điều tiết nhưng không thống nhất thì được quyền lựa chọn áp dụng điều luật nào phù hợp nhất cho quá trình triển khai.

Để tránh mỗi lần điều chỉnh phải xin phê duyệt chủ trương đầu tư, nên trao quyền cho chủ đầu tư được điều chỉnh các nội dung mang tính chất kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án trên nguyên tắc không thay đổi mục tiêu và kết quả đầu ra, không được thấp hơn mục tiêu đã được phê duyệt.

Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn các thông tin cũng như nội dung quá trình điều chỉnh.

Tôi nhấn mạnh là chủ trương đầu tư các dự án giao thông này là rất đúng, rất cần thiết. Nguồn vốn đầu tư phải đa dạng không nên chỉ nhìn vào 1 nguồn.

Về tổng mức đầu tư cần tính toán thật chặt chẽ, chính xác, tránh tình trạng dự toán quá thấp đến khi triển khai lại không đủ vốn sẽ dẫn đến đình trệ. Hoặc dự toán quá cao, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ bị thất thoát. Phải lấy căn cứ, kinh nghiệm, đơn giá đã thực hiện các công trình tương đồng để có tính toán phù hợp.

ĐB Trần Hoàng Ngân (Ủy ban Kinh tế):
Cao tốc sẽ giúp địa phương “cất cánh”

img

Việc xây dựng 3 tuyến cao tốc là cần thiết, góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phát huy lợi thế, tiềm năng của các địa phương cao tốc đi qua.

Trong điều kiện an ninh lương thực thế giới đang bị đe dọa, việc đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó cũng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển cho người nông dân bằng việc nâng cao hiệu quả logistics kết nối nơi sản xuất đến tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, giảm chi phí logistics.

Đối với Vành đai 3 TP.HCM, đây là dự án rất quan trọng vì nằm trong vùng Đông Nam Bộ. Vùng này có dân số khoảng hơn 18 triệu người nhưng đóng góp 40% GDP và trên 40% ngân sách của cả nước.

Như vậy khi đầu tư Vành đai 3 TP.HCM thì chắc chắn sẽ thúc đẩy tính kết nối vùng, từ đó kinh tế - xã hội được phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

TP.HCM trong 5 năm (2016 - 2020) thu ngân sách trên 1.800.000 tỷ đồng nhưng chỉ được giữ lại hơn 360.000 tỷ đồng.

Cho nên việc đặt vấn đề ngân sách cho đầu tư Vành đai 3 TP.HCM tuy gặp khó khăn nhất định nhưng hoàn toàn khả thi với năng lực tài chính của vùng Đông Nam Bộ. Cùng với đó là ngân sách của Trung ương cũng tham gia cùng dự án này.

ĐB Phạm Văn Thịnh (Ủy ban Kinh tế):
Hoan nghênh các địa phương cam kết vốn

img

Một trong những nguồn vốn để đầu tư 5 dự án được Chính phủ đề xuất là từ nguồn ngân sách của địa phương, tỉ lệ tùy vào các dự án cụ thể. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương rất quan trọng.

Đối với 3 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Thủ tướng đã có công điện gửi các địa phương có dự án đi qua tổ chức họp HĐND để quyết nghị số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia khoảng 50% chi phí GPMB các dự án.

Các địa phương cam kết vốn đều thấy được tầm quan trọng của dự án nên họ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư.

Đến nay, đã có 5/8 địa phương ban hành nghị quyết của HĐND về việc bố trí kế hoạch vốn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 tham gia đầu tư 3 dự án cao tốc. Còn dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, Hà Nội đã cam kết chi hơn 23.000 tỷ đồng.

Có thể thấy sự chủ động trong việc cam kết bố trí ngân của sách địa phương vào đầu tư các dự án giao thông trọng điểm nói trên là điều rất đáng hoan nghênh. Việc đầu tư các dự án trọng điểm này cũng đem đến lợi ích rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đó.

ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình):
Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương

img

Chính phủ cần sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt.

Đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Quốc hội và Chính phủ tăng cường phân cấp cho địa phương trong quản lý quy hoạch, quản lý đất đai để các địa phương được chủ động đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án.

Đồng thời, cho phép UBND cấp tỉnh một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư, thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch đường cao tốc đi qua địa bàn nhằm đầy nhanh tiến độ.

Quy mô, tiến độ, nguồn vốn 5 dự án

1. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng:

Giai đoạn 1: Tổng chiều dài hơn 188km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 30.758 tỷ đồng cân đối từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 43/2002 của Quốc hội; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2020 và ngân sách địa phương.

Tiến độ: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.

2. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Giai đoạn 1: Tổng chiều dài khoảng 53,7km; quy mô quy hoạch 6 - 8 làn xe và phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang với quy mô 4 - 6 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021, nguồn ngân sách địa phương...

Tiến độ: Chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

3. Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Giai đoạn 1: Tổng chiều dài khoảng 117,5km được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2022 - 2025 từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021, nguồn ngân sách địa phương...

4. Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

Tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (dài khoảng 58,2km), Hưng Yên (dài khoảng 19,3km), Bắc Ninh (dài khoảng 25,6km) và tuyến nối khoảng 9,7km.

Dự kiến có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự kiến, nguồn vốn từ ngân sách TP.Hà Nội triển khai dự án là 23.524 tỷ đồng.

5. Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Tổng chiều dài: 76,34km. Bao gồm, TP.HCM: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km.

Tổng diện tích đất của dự án khoảng 642,7ha.

Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương.

Tiến độ: Thực hiện từ năm 2022 - 2027.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.