Đánh giá kỹ để tránh "tội phạm gia tăng mà hình phạt giảm nhẹ"
Hôm nay (27/8), tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội.
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, dự án luật này điều chỉnh hành vi của người chưa thành niên - một lứa tuổi, đối tượng rất đặc biệt, do đó, các ý kiến khác nhau của các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải được xem xét, nhất là văn bản mới nhất của Bộ Công an.
Ông Long nêu câu chuyện trong phòng xét xử, nếu chúng ta nhìn thấy những giọt nước mắt ăn năn hối hận của các bị cáo trẻ tuổi và thấy rằng phải quy định những chính sách thật là nhân văn, nhân đạo.
Nhưng, chỉ cách đó ít ngày thôi, cả mấy chục người hung hãn, tay cầm dao phóng lợn, đao kiếm, có thể rút ra chém bất cứ ai... thì chắc chắn những cán bộ, chiến sĩ đang phải đối mặt với những đối tượng này từng ngày, từng giờ, quan điểm của họ sẽ khác.
Từ đó, đại biểu Long đề nghị cần xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng ý kiến của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Phân tích thêm, ông Long cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Trong khi dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội quy định, đối với lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã loại trừ chỉ còn 5 nhóm tội danh; đối với lứa tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ còn 6 nhóm tội danh.
Theo báo cáo đánh giá tội phạm, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu phạm các tội về xâm phạm sở hữu như giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm. Nhóm tội về ma túy chủ yếu tập trung tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Trong khi đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có 1 tội danh không áp dụng xử lý chuyển hướng là tội sản xuất các chất ma tuý.
Đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, thực tiễn, nhóm tội chủ yếu lứa tuổi này phạm phải là tàng trữ, mua bán, vận chuyển, còn sản xuất ma túy đòi hỏi yêu cầu quy trình, kiến thức rất cao, lứa tuổi này ít có trường hợp nào được tham gia sản xuất.
Nếu loại trừ như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng, tội ít khi phạm phải thì loại trừ chuyển hướng, trong khi nhóm tội phổ biến, hay vi phạm lại được chuyển hướng.
"Đành rằng, chúng ta giải trình, dự thảo luật có sự thay đổi nhất định trong áp dụng xử lý chuyển hướng, nhưng những quy định này không chỉ tác động với người chưa thành niên phạm tội, mà còn có thể tác động đến những người đã thành niên, kẻ chủ mưu, băng nhóm.
Họ có thể lợi dụng, sử dụng người chưa thành niên phạm tội như các công cụ phạm tội, vì người chưa thành niên phạm một số tội này sẽ không bị xử phạt. Dẫn đến tính phòng ngừa, răn đe giảm đi", ông Long phân tích.
Theo ông Long, năm 2023, tội phạm chưa thành niên tăng 14% so với năm trước và xu hướng 5 năm đều tăng. Chúng ta thay đổi chính sách trong bối cảnh tội phạm gia tăng mà hình phạt giảm nhẹ đi thì cần đánh giá kỹ.
Đại biểu Long đề nghị các cơ quan tư pháp có sự trao đổi, thống nhất rất kỹ trước khi trình Quốc hội, vì sẽ có tác động rất lớn. Nên đảm bảo khi trình ra Quốc hội, các cơ quan không còn mâu thuẫn, không còn ý kiến khác nhau.
Về các tội trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm nhiều nhất là giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... thì cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản đã bị loại ra, để cho phép hoặc là áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng, hoặc là áp dụng hình phạt, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng "chưa thấy có sự lý giải thấu đáo nào".
Từ đó, ông đề nghị cân nhắc, những loại tội danh nào có tính phổ biến đối với lứa tuổi trên thì không nên loại trừ một cách triệt để, thay đổi quá lớn như Điều 38 dự thảo luật.
Băn khoăn đề xuất xây trại giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho thấy nhiều ý kiến nhất trí việc bố trí trại giam riêng cho người chưa thành niên, song đề nghị cân nhắc quy định hiệu lực thi hành nội dung này có thể muộn hơn (2 hoặc 3 năm) để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất.
Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất chỉnh lý theo hướng quy định cả 2 mô hình gồm trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không nhất thiết phải xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên vì dự thảo luật đã quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Theo các quy định tại dự thảo, rất nhiều trẻ em phạm tội sẽ được xử lý chuyển hướng, không bị giam giữ tại các trại giam mà có thể vào trường giáo dưỡng hoặc cho phép ở ngoài cộng đồng. Do đó, số lượng người chưa thành niên trong các trại giam sẽ không nhiều.
"Trong điều kiện hiện nay, nếu xây dựng trại giam rất tốn kém. Ta xây dựng trại giam riêng có thể chỉ giam giữ 5-7 người thì lãng phí, nhất là với điều kiện ngân sách hiện nay", ông Hòa nói không nên xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên.
Tuy nhiên, vị đại biểu ủng hộ việc người chưa thành niên cần được giam giữ riêng, cần có phân khu riêng trong khuôn viên trại giam.
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng rất khó khăn để xây dựng trại giam riêng trong bối cảnh hiện nay.
"Nếu xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên, có thể chỉ ở khu vực nhất định, cả nước có vài trại như vậy, cự ly từ quê của người chưa thành niên đến chỗ đó là rất xa, khó thực hiện trách nhiệm của gia đình trong thăm nuôi, phối hợp giáo dục cho người chưa thành niên phạm tội", ông Gia nêu bất cập.
Vị đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho rằng cần quan tâm đặc biệt đến phân trại cho người chưa thành niên trong trại giam sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận